Bài mới

Tuesday, October 27, 2015

Người Trung

Nếu ai chịu khó quan sát, những người nhập cư vào Sài Gòn hiện nay có rất đông người từ miền Trung – từ xứ Quảng, Bình Định, Phú Yên…

Và nếu để ý trên mỗi tuyến đường ở TP.HCM, sẽ có rất nhiều xe máy mang biển số 77 (Bình Định), 78 (Phú Yên), 76 (Quảng Ngãi), 86 (Bình Thuận)… chen lẫn với biển số 51, 52, 53… (TP.HCM) và một số biển số 62 (Long An), 66 (Đồng Tháp), 67 (An Giang) của miền Tây…


Tại sao người miền Trung vào Sài Gòn đông vậy?

Nhiều người cho rằng vì người miền Trung nghèo, họ vào Sài Gòn mưu sinh và muốn đổi đời. Nhưng hơn hết, người miền Trung rất chịu thương, chịu khó. Ngoài những nghề mua gánh bán bưng, như: bán hủ tiếu, trái cây, ve chai… thì người miền Trung cũng làm những công việc kỹ thuật, kinh doanh, văn chương… nhờ chịu khó học hành.

Ảnh: Miền Trung - nơi có phong cảnh hữu tình và những con người thâm trầm, sâu sắc

Người miền Trung chịu khó cực giỏi nên họ thường đảm đương những việc làm mang tính kỹ thuật, những việc hao tổn nhiều năng lượng. Đặc biệt, người miền Trung thường làm những công việc nặng, như: cầu đường, kỹ thuật, cơ khí, viết báo… Chưa có một thống kê đầy đủ, nhưng các tòa soạn báo ở Sài Gòn đang có tới 80% là người miền Trung.

Người miền Trung vốn có tính… ngang. Thấy cái gì không đúng là cãi. Người miền Trung cũng thường trọng danh dự, rất khó mua chuộc. Nhiều người cho rằng, sỡ dĩ họ thường làm những công việc nặng nhọc, áp lực… vì họ trọng danh dự, nhưng không háo danh. Người miền Trung có nhiều cống hiến, nhưng ít đòi hỏi. Người miền Trung nhiều thua thiệt, nhưng ít oán thán.

Tất nhiên, người miền Trung cũng có nhiều tật xấu, như thói ky bo; khư khư giữ mình; nhiều khi cẩn trọng quá mức… Người miền Trung thường để cho kẻ khác ngồi trên đầu mình mà nhiều khi vẫn im lặng, nhẫn nhục, nhất là phụ nữ miền Trung. Có lẽ vì vậy, mà các vị trí lãnh đạo quận huyện, viên chức cơ quan nhà nước… ít có người miền Trung nắm giữ.

Thực ra ở Việt Nam và TP.HCM hiện nay, những người lãnh đạo thường có gốc gác làm cách mạng, có công trong các cuộc kháng chiến… Cái này thì dường như người miền Trung có vẻ thiệt thòi. Theo hiểu biết sơ của tôi, họ không phục vụ cách mạng không phải họ không yêu nước, mà vì họ trọng mạng sống, tiếc công sinh thành của cha mẹ, nên cứ cố trốn... trong những đợt tuyển quân, thậm chí nhiều người cố hủy hoại một phần thân thể, tự chặt ngón tay, ngón chân chẳng hạn.

Trong các sơ yếu lý lịch xin việc, đa số người miền Trung sẽ khai là Cha: làm biển (hoặc làm nông, diêm…); Mẹ: nội trợ. Còn người miền Bắc hay Nam Bộ sẽ là ông bà nội, cha, chú; ông bà ngoại, mẹ, dì… có huân chương lao động, huân chương kháng chiến…

Nên chăng người miền Trung nên ý thức được tài năng của mình, vượt thoát khỏi thân phận ngụ cư, kẻ làm thuê. Với tính cách thâm trầm sắc sảo, nếu được rèn luyện thêm tính quảng giao, hùng biện thì người miền Trung làm lãnh đạo cũng ngon lành lắm chứ?

(Theo facebooker Trần Nhã Thụy)

No comments:

Post a Comment

Danh sách trang