Bài mới

Monday, March 31, 2014

Làng võ An Thái, nét đặc biệt của một dòng võ trên đất Bình Định

Đứng ở An Vinh, nhìn sang bên kia sông là An Thái. Đây là một đô thị cổ phồn thịnh của Tuy Viễn xa xưa, đồng thời là một làng võ nổi tiếng của An Nhơn.

Cối thế kỷ 17, nhiều người dân Trung Quốc trôi dạt về đất An Thái sinh sống mang theo phong tục, tập quán cố hương. Có thể nói ở mảnh đất Bình Định hiếu khách và hào sảng này, họ đã tìm thấy quê hương thứ hai của mình và yên tâm bắt đầu một cuộc sống mới.

Nếu ai đã một lần đến An Thái hẳn sẽ nhận thấy những nét kiến trúc mang đậm nét Trung Hoa bên dòng sông Côn hiền hòa đầy nắng gió mà tiêu biểu chính là Ngũ Bang Hội Quán. Ngũ Bang Hội Quán xây dựng năm 1873 do tập thể người Hoa tị nạn sang Việt Nam. Minh Hương Cựu Thuộc gồm 4 bang: Phúc Kiến, Triều Châu, Hải Nam, Quảng Đông và những người Minh Hương Tân Thuộc. Ngũ bang thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu, phía sau đặt tượng Long thần hộ pháp, hai bên trái phải là tượng thờ Thiên Lý Nhĩ, Thiên Lý Nhãn. Tả vu đặt tượng thờ Bổn Xứ Thành Hoàng. Hữu vu đặt tượng Tiêu diện đại lực sĩ. Trong mớ hành trang mà những người hoa mang tới mảnh đất An Thái còn có cả võ thuật mà ngày nay người ta thường gọi là võ Tàu. Cùng với thời gian, tuy đã có sự giao thoa với các dòng võ cổ truyền tại Tây Sơn và các dòng võ khác trong tỉnh Bình Định nên có nhiều điểm tương đồng nhưng võ An Thái vẫn giữ được nhiều điểm khác biệt. Nếu quyền An Vinh nghiêng về đánh móc, ra đòn hiểm thì quyền An Thái đường nét sắc sảo, bay bước, tiến thoái linh hoạt.

Năm 1765, trên bước đường lưu lạc chạy trốn khỏi sự trả thù của bè lũ gian thần Trương Phúc Loan. Thầy giáo Trương Văn Hiến đã dừng chân mở trường dạy cả văn lẫn võ tại An Thái. Xuất than ở Nghệ An, vốn là một trung thần của nhà Nguyễn nên đức hạnh và chân tài vời vợi của ông đã biến mái trường sườn tre, vách đât, mái tranh trở thành một trung tâm đào tạo nhân tài của cả một vùng rộng lớn từ Bồng Sơn, Tuy Viễn, rồi Phú Yên ra, rồi Quảng Ngãi vào. Học trò ông là những người xuất chúng, đều trở thành những văn sĩ, võ nhân lừng lẫy như ba anh em hoàng đế Quang Trung: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ.

Như sự sắp bày hữu ý của địa lý và lịch sử, nhiều làng xã của Bình Định đã hình thành nên nhiều dòng võ lớn. Nếu ở An Vinh có họ Nguyễn, họ Trần, họ Đinh. Ở Thuận Truyền có họ Hồ, họ Lê. Riêng An Thái, một rẻo đất nhỏ về diện tích nhưng lại đầy đặn cơ duyên hội ngộ mặc nhiên trở thành nơi tồn tại và phát triển hai dòng võ Việt và Tàu đặc sắc. Dòng võ Việt của Lâm Hữu Phong, Lâm Đình Thọ, Hương Kiểm Lài và dòng võ Tàu của Diệp Trường Phát (Tàu Sáu). Người sáng lập ra võ phái An Thái là cố tổ sư Diệp Trường Phát, tự Thoại Chi, tục danh Tàu Sáu. Ông sinh năm 1896 tại làng An Thái, quận An Nhơn, tỉnh Bình Định. Là người gốc Hoa, năm 13 tuổi ông được song than cho về cố hương luyện rèn cả văn lẫn võ. Sau đó ông còn sang Hồng Kông thụ huấn them với danh sư Hồng Hà Diệp. Trở về mảnh đất chon nhau cắt rốn bên bờ sông Kôn, ông đã hấp thụ tinh thần thượng võ đất Bình Định, tiếp nhận tinh hoa võ thuật lâu đời nhiều phái, đúc rút xây dựng nên một hệ thống võ thuật và võ đạo sâu sắc, góp phần làm rạng danh cho quê hương An Thái.

Làng võ An Thái - võ sư Lâm Ngọc Phú
Trong suốt chiều dài lịch sử, An Thái đã có bốn lò võ lớn là Bình Sơn, Hải Sơn, Quách Can (tức phái Tàu Sáu) và Hồ Hoành. Nhưng ngày nay trên đất An Thái còn duy nhất võ đường Bình Sơn. Võ sư Phú là con của lão võ sư Lâm Đình Thọ tức Hương Kiểm Lài. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống võ học, ông được ông nội và cha truyền thụ võ công, lớn lên theo học võ sư Tàu Sáu. Võ đường Bình Sơn ra đời là sự kết hợp nhuần nhuyễn hai nguồn võ Tàu, võ Việt. Sau khi võ sư Lâm Ngọc Phú qua đời, con trai lớn của ông tiếp nối nghiệp cha. Võ sư Lâm Ngọc Ánh hiện giờ cai quản võ đường Bình Sơn. Lão Hổ Ẩn Nhân Hình là bài quyền mang đậm nét đặc trưng của võ An Thái do võ sư Ánh thể hiện.

Đặc điểm của quyền An Thái là đi những bước chậm mà chắc, tập luyện nhuần nhuyễn xong môn này rồi mới chuyển qua môn khác. Không được phép tập luyện nhiều môn cùng một lúc. Sự tập luyện môn phái này dựa trên thuyết ngũ hành và nguyên lý hình thể, chủ yếu luyện cho trụ hay còn gọi là thế chân ngựa cho vững chắc. Khi biểu diễn quyền thuật thì đòn chân được chú ý nhiều nhất. Nhìn vào khả năng duy chuyển của môn sinh có thể đánh giá được công phu tập luyện và khi ra trận giao đấu thì đôi chân thật sự là công cụ hiệu nghiệm với những đòn cước tuyệt sảo.

Ông Nguyễn An Pha – Phó chủ tịch liên đoàn võ thuật Bình Định nói:
“An Thái trước là do ông Lâm Cánh Phong nhưng mà chưa có phải môn An Thái đâu. Ông Lâm Cánh Phong là cha ông Lâm Đình Thọ, ông nội Lê Đình Phú đấy. Nhưng mà đến khi Diệp Trường Phát, một vị võ sư giỏi của An Thái và làm trưởng môn làng An Thái, dạy học ở An Thái và sinh ra nhiều võ sư giỏi kể cả võ sư Phan Thọ học An Vinh là chính nhưng mà vẫn về học ông Tàu Sáu nữa, cho nên là trưởng môn của An Vinh và trưởng môn đó dạy ra được nhiều học trò giỏi. Và làng An Thái và võ An Thái thì nó ra đời sau hơn một chút. Mà hai cái làng ở ven sông này thì cực kỳ giỏi quyền cho nên là không ai chịu thua ai. Cái võ mà của Trung Hoa đấy, cũng như là võ ở Đập Đá và ông Lý Xuân Hỷ và ổng là thế hệ thứ năm của ông tổ ổng qua đây rồi đấy. Cũng như võ Tàu đấy, cũng như ông Diệp Trường Phát, khi mà qua Bình Định rồi thì người ta tiếp thu cái võ Bình Định này. Nó thành một cái môn phái của Võ Bình Định chứ võ An Thái và võ Đập Đá không còn là võ Tàu nữa. Mà đấy là cái điều hay của Bình Định là những cái môn phái võ Tàu, những võ sư giỏi của Trung Quốc qua đây họ tiếp thu võ Việt và họ thành một môn phái võ Việt đặc biệt, nó có phần khác đi những môn phái khác nhưng mà đó là võ Việt Nam, võ Bình Định chứ không còn võ Tàu nữa”
Một trong những khắc họa rõ nét tinh thần thượng võ của An Thái và các làng võ Bình Định là lễ hội Xô Cỗ Đổ Giàn Cướp Heo trước đây được tổ chức bốn năm một lần. Võ sĩ của các võ đường đổ về An Thái quan sát địa hình suốt mất ngày trời rồi ém quân mai phục từ đêm hôm trước, một số trà trộn trong đám đông đứng xem hội chờ lễ tế vừa xong đã thoăn thoắt lên già. Con heo quay trên cỗ xô xuống còn lơ lửng trong không trung đã có người phi thân lên chụp rồi vác chạy. Chụp được đã khó, vác heo ra khỏi vòng vây còn khó hơn. Vì con heo quay là chiến lợi phẩm danh dự nên các phái võ ra sức tranh giành. Có người giành thì có người cướp, có người cướp thì phải có người chận cướp mở đường cho phe mình chạy. Những ngón đòn tuyệt kỹ được tung ra. Nào côn nào quyền, võ Tàu võ Ta. Gió cuộn cát bay, tiếng hò reo huyên náo cả một vùng. Võ sĩ vác heo thoát được hay không, ngoài chuyện được đồng bọn hỗ trợ cái chính là tùy thuộc vào tài nghệ của mình, nếu kém tài thì bị kẻ giỏi hơn cướp tay trên. Môn phái nào đem được con heo quay về tổ đình là một vinh dự to lớn, năm đó được tiếng vô địch, học trò xin theo học rất đông.

Lễ hội Đổ Giàn An Thái là một lễ hội mà võ thuật bộc lộ đến đỉnh cao. Các phẩm chất dũng mãnh, cao thượng và nồng nhiệt. Tất nhiên không loại trừ các yếu tố hệ quả và mặt trái như sự quyết liệt ăn thua có thể dẫn tới sát thương hoặc mặc cảm thua cuộc nặng nề có thể chuyển thành bất hòa. Nhưng vượt lên tất cả những vụn vặt đời thường vẫn là hào khí thượng võ rót tràn cuộc sống. Sự hồi hộp và niềm vui ngây ngất của người dân An Thái và đất võ Bình Định.


Làng võ An Thái - Tinh hoa võ thuật

No comments:

Post a Comment

Danh sách trang