Vị võ sư khả kính,
không chỉ uyên thâm về kiến thức võ học mà còn rất hồn hậu, chân chất, mang đậm
bản chất của người dân xứ Nẫu, đó chính là võ sư Lê Xuân Cảnh.
Được thành lập và hoạt
động hơn 30 năm qua, võ đường thôn Cẩm Văn, xã Nhơn Hưng, huyện An Nhơn là một
trong những lò võ cổ truyền nổi tiếng ở Bình Định đã đào tạo được hàng ngàn võ
sinh, cung cấp nhiều vận động viên cho đội tuyển võ cổ truyền tỉnh Bình Định.
Võ sư Lê Xuân Cảnh 74
tuổi hiện là phó chủ tịch chi hội võ thuật huyện An Nhơn. Cũng như võ sư Phan
Thọ, võ sư Lê Xuân Cảnh từng học nhiều thầy. Con đường tầm sư học đạo của ông
ly kỳ, mang đậm nét anh hung hiệp khách thời xưa. Ba lần bái sư là ba lần ông
được học những bài võ đắt địa mà sau này ông đã chắt lọc những nét độc đáo tạo
thành những bài quyền, cước độc đáo để truyền dạy tại võ đường của mình.
Học võ từ năm 15 tuổi,
cao thủ đầu tiên mà cậu bé Lê Xuân Cảnh khi ấy tìm đến bái sư chính là võ sư Lý
Tường (cha của võ sư Lý Xuân Hỷ), một trong những truyền nhân của môn phái dòng
họ Lý lừng danh ở Đập Đá (An Nhơn, Bình Định). Sau ba năm thọ giáo võ công nhà
họ Lý, khi đã phần nào lĩnh hội được những bài quyền nổi tiếng của môn phái,
ông quyết định giã biệt thầy lên đường rong ruổi tiếp tục học võ.
Người thầy thứ hai mà
Lê Xuân Cảnh theo học là ông Phạm Thế Giáo (xã Nhơn An, huyện An Nhơn), một
trong những đệ tử của võ sư Hồ Nhu. Ở đây, Lê Xuân Cảnh đã được tiếp cận với những
bài roi vang danh thiên hạ của làng võ Thuận Truyền. Những tưởng bước chân
giang hồ đã dừng lại ở đó, nhưng sau một năm Lê Xuân Cảnh lại tiếp tục lên đường
học hỏi.
“Một thời gian nữa thì tôi nghe có một ông thầy chùa, ổng ở trong chùa, nghe nói cái roi của ông hay lắm. Thì tôi có đến tôi xin ổng tôi học mà tôi phải ra điều kiện là: (Tôi có học rồi, bời vì hồi nghe cái roi của Thuận Truyền mình quá hay, mình đâu có sợ gì nữa). Nếu như thầy chỉ con mà cái nào con chưa học thì con học, mà cái nào con học rồi thì con không học. Ông thầy chùa nói: Nếu như vậy là mày giỏi rồi phải không. Tôi nói: không, cũng mới biết quýnh chứ cũng chưa có được giỏi. Ổng nói vậy thôi vô xó cữa, mày lấy hai cái cây ra tao với mày đi thử một chút. Thì tôi có cầm hai cái cây ra thì (mình cũng mạnh dạn vì mình cũng là người có học mà, mình đâu có sợ) khi cầm cây đưa cho thầy thì tôi với ổng mới vừa đảo ngựa đi mới có hai tua thì coi như ổng lấy cái cây của tôi hồi nào không hay. Sao tôi mới xin nguyện với ổng: Nếu như cuộc đời con mà con không học được cái roi của thầy thì con không có nói chuyện võ nữa. Cái thời gian đó học cái roi của thầy thầy chùa (thầy Bửu Thắng)".
15 năm trời rong ruổi
theo học võ, kiên nhẫn tiếp thu tinh hoa của những người thầy, Lê Xuân Cảnh bái
biệt người thầy cuối cùng, trở về với quê ở xã Nhơn Hưng (An Nhơn, Bình Định)
sinh sống. Đặt chân về quê, vốn tình ít nói, không thích ồn ào, những tưởng ông
sẽ giữ mãi những ngón đòn võ thuật cho riêng mình. Nhưng không, cái nghiệp võ
đã thấm vào da thịt ông, khiến ông không thể yên tâm “ở ẩn” mãi. Ông day dứt lo
sợ khi thấy võ cổ truyền đang bị mai một dần dần. Năm 1975, ông quyết định mở
lò luyện võ mang tên mình để truyền dạy võ cho con cháu trong làng, như một
cách giữ lại tinh hoa võ thuật dân tộc.
Ông tâm sự:
“Mình đi học võ của các thầy, học được cái đạo cái nghĩa của võ rồi mà nhìn thấy những ngón đòn mình đam mê suốt đời đó đang mất dần đi thì có lỗi với công lao truyền dạy của các thầy lắm”.
Với mục đích đó nên thầy
Xuân Cảnh thu học phí rất ít, gọi là có chút tiền để chăm chút thêm cơ sở vật
chất cho võ đường. Đặc biệt, đối với những em tham gia học các bài trống hội để
phục vụ các lễ hội trong huyện, tỉnh thì được miễn hoàn toàn học phí.
Từ những gì đã hấp thụ
được trong 15 năm lặn lội học võ, Lê Xuân Cảnh chắt học lại những điểm tinh túy
nhất của từng môn phái để hình thành bí quyết của mình và truyền dạy cho đệ tử
của võ đường.
Về biểu diễn, võ đường
đã rèn dạy những võ sinh có khả năng biểu diễn các bài võ binh khí như: song
đao, song phủ, độc kiếm, song kích, song câu,… và đặc biệt là sở trường về roi
với các bài roi Thái Sơn, Trực chỉ, Bát quái.
Ngay trong lứa học trò
đầu tiên, Bảo Thương - cô học trò cưng của võ đường khi được đi tham gia liên
hoan võ thuật quốc tế tại Liên Xô đã suất sắc dành huy chương vàng với bài Roi
Bát Quái. Kể từ khi giải võ cổ truyền toàn tỉnh ra đời, năm nào võ đường Lê
Xuân Cảnh cũng tích cực tham gia và đều có võ sinh đạt được huy chương, nhất là
ở nội dung biểu diễn. Không những thế, võ đường Lê Xuân Cảnh còn khởi xướng và
đào tạo đội võ sinh để thi đấu cờ võ rất độc đáo ở Nhơn Hưng. Rồi đào tạo các đội
múa lân quy mô để thường xuyên đi biểu diễn khắp trong và ngoài huyện. Mặc dù
vây, một trong những thế mạnh của võ đường Lê Xuân Cảnh chính là những đường
roi tuyệt kỹ mà ông sở hữu trong suốt quá trình 13 năm tầm sư học đạo. Ông đã
lĩnh hội được tinh túy của nhiều trường phái roi khác nhau với những bài roi của
quê hương Bình Định.
“Cái roi Bình Định nó khác hơn cái roi của các tỉnh là nó có hai điểm. Một điểm thứ nhất là cái roi Bình Định đi đâu đi chứ cái roi Bình Định là tiền âm hậu dương là cái roi Bình Định. Có đi cái cách gì đi mà khi qua ngựa bên đây cũng là tiền âm hậu dương. Mà đi á, coi như lúc nào cũng cái roi trung bình. Trung bình tức là từ trước tới đầu sau là là nó bằng nhau chứ không được cái đầu nào mà lên cao, đầu nào mà chúi xuống. Đây là cái thế roi của Bình Định…”
Năm nay đã sang tuổi 74
nhưng võ sư Lê Xuân Cảnh vẫn không chịu nghỉ ngơi mà luôn tất bật với công tác
gây dựng phong trào võ cổ truyền huyện nhà trên cương vị phó chủ tịch chi hội
võ thuật An Nhơn, cũng nhận lời đảm trách câu lạc bộ xã Nhơn Hưng, đưa câu lạc
bộ này trở thành địa chỉ tập luyện thường xuyên của hàng trăm võ sinh trong và
ngoài tỉnh. Võ sư Lê Xuân Cảnh còn đứng ra đảm nhận dạy các lớp dưỡng sinh cho
người cao tuổi trong huyện. Không những thế, ông còn đa mang khi khởi xướng và
đào tạo những võ sinh để thi đâu cờ võ rất độc đáo ở Nhơn Hưng. Rồi đào tạo các
đội múa lân quy mô để thường xuyên đi biểu diễn khắp trong và ngoài huyện.
Võ sư Lê Xuân Cảnh tâm
sự:
“Tôi đã lớn tuổi nhưng suốt ngày bận rộn với võ thuật nên vợ con đôi lúc cũng cằn nhằn, mấy lần tôi định nghỉ nhưng mấy đứa học trò cứ nài nỉ (thầy ở lại với chúng con cho vui) thì là sao tôi dứt lòng cho đặng. Thôi thì còn sức khỏe ngày nào, tôi cống hiến hết mình cho võ thuât ngày ấy!
Theo: Lê Xuân Cảnh, những
đường roi tuyệt kỹ - Tinh hoa võ thuật
No comments:
Post a Comment