Bài mới

Wednesday, May 6, 2015

Võ Bình Định di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

“Ai về Bình Định mà coi
Con gái Bình Định múa roi đi quyền”

Câu ca dao cổ truyền ấy vẫn là niềm tự hào của người Bình Định bao đời nay. Được mệnh danh là Miền Đất Võ, Bình Định được coi là cái nôi của nền võ học chân truyền Việt Nam. Điều độc đáo hơn là trải qua bao thăng trầm của thời gian, bao biến cố của lịch sử nền võ học này vẫn có một sức sống mãnh liệt. Tinh hoa từng đường quyền, thế võ vẫn được những người dân Bình Định hôm nay rèn luyện, trao dồi trong những võ đường đơn sơ bên bờ sông Côn.

VÕ BÌNH ĐINH DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ QUỐC GIA

Võ Bình Định di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Lật mở những trang lịch sử theo Đại Nam Nhất Thống Chí, vùng đất Bình Định xưa thuộc đất Việt Thường Thị. Từ năm 1471, sau cuộc hành binh của vua Lê Thánh Tông, vùng đất kinh đô Đồ Bàn đã được sáp nhập vào Đại Việt và cả trăm nay đất này là miền biên viễn.

Năm 1602, khi hành phương nam, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng cho đổi tên phủ Hoài Nhơn thành phủ Quy Nhơn (tức tỉnh Bình Định bây giờ). Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tên gọi ấy hàm ý đây là nơi quy tụ về những nhân vật, những tộc người để ổn định, dựng xây, phát triển vùng đất này.

Đặc biệt vào thế kỷ thứ 17, một sự kiện lịch sử lớn không chỉ có ảnh hưởng lớn đối với lịch sử dân tộc mà đưa truyền thống thượng võ của người Bình Định phát triển lên một tầm cao mới. Năm 1771, Tây Sơn Tam Kiệt đã đứng lên dựng cờ khởi nghĩa với phong trào cứu nước cuar những người nông dân áo vải. Trong lịch sử Việt Nam, triều đại Tây Sơn tồn tại trong một thời gian ngắn. Nếu tính kể từ khi nhà Tây Sơn khởi nghĩa chống chính quyền chúa Nguyễn ở Đàng Trong (năm 1771) đến thời điểm kết thúc (vào năm 1801) nhà Tây Sơn chỉ hiện hữu trong 30 năm. Nhưng triều đại này đã để lại một sự nghiệp sáng người trong lịch sử dân tộc và tên tuổi nhân vật kiệt suất nhất của phong trào, người anh hùng dân tộc Quang Trung Nguyễn Huệ mãi mãi trở thành niềm tự hào của người Bình Định. Hiếm có một triều đại nào trong lịch sử Việt Nam lập được nhiều chiến tích võ công vang dội như nhà Tây Sơn. Với những cuộc hành binh thần tốc vào nam ra bắc, với những chiến thắng vang dội Rạch Gầm – Xoài Mút, Ngọc Hồi Đống Đa. Hình ảnh người nông dân áo vải cờ đào bách chiến bách thắng với tinh thần thượng võ vẫn còn lưu dấu mãi cho đến tận bây giờ.

Qua hàng trăm năm chọn lọc, lưu truyền và phát triển, được truyền dạy từ thế hệ này qua thế hệ khác, lan tỏa từ dòng họ này sang dòng họ khác, Võ Bình Định trở thành di sản văn hóa phi vật thể độc đáo gắn liền với lịch sử dựng nước giữ nước của dân tộc. Hàng chục ngàn người trong cả nước, trên thế giới đã học võ Việt, võ Bình Định và tìm thấy ở đó nhiều triết lý sống, nhiều giá trị võ thuật, văn hóa độc đáo.

Với người Bình Định học võ là để giữ thân, giữ nhà, giữ nước cứu người, giúp người khi cần thiết. Người có võ công cao cường thì đức tính lại càng khiêm nhường, thường sống ẩn dật, không phô trương kiêu ngạo, không đánh người dưới ngựa. Tâm thức võ đạo của người Bình Định chính là đạo đức trong sáng, cao cả, tâm hồn hỷ xả của người có võ. Tinh thần võ đạo ấy bài bản trong những bài quyền, thế võ tinh hoa của nền võ thuật Bình Định.

Khác với nhiều nền võ thuật khác trên thế giới, khi việc luyện võ được coi là đặc quyền của giới quyền quý hàn lâm thì võ Bình Định xuất phát từ những hình ảnh bình dị trong cuộc sống thường nhật của những người nông dân chân chất. Một đôi trân đọ sừng ngoài bãi sông, một cánh chim chao liệng trên đỉnh núi, một thế đá của chú gà nòi sau vườn, một thế tấn công của loài rắn rừng hay chỉ là một hình ảnh mèo rửa mặt trước hiên nhà đã được biến hóa thành những tuyệt kỹ võ công.

Võ đường Lý Xuân Hỷ là một trong những võ đường nổi tiếng nhất của vùng Đập Đá, An Nhơn. Một cái nôi với truyền thống võ lâu đời của những làng võ Bình Định. Nơi đây không chỉ nổi tiếng với hai môn roi và quyền mà là nơi còn tàng giữ một bí kiếp tuyệt đỉnh công phu là bài quyền Miêu Tẩy Diện (có nghĩa là mèo rửa mặt). Bài quyền Miêu Tẩy Diện được ông nội võ sư Lý Xuân Hỷ mô phỏng theo tư thế của một chú mèo khi rửa mặt mỗi sáng tinh mơ.

Võ đường Lý Xuân Hỷ, Đập Đá, An Nhơn, Bình Định

Đã bước vào tuổi 75, ông Hỷ đã được xếp vào hàng lão võ sư. Song hầu hết các võ sư trong vùng đều kiên nể ông với thành tích bất khả chiến bại. Trong hơn 300 lần thương đài từ nam chí bắc, ông chỉ thua duy nhất một lần. Tuy chỉ là một võ đường ở làng nhưng võ đường Lý Xuân Hỷ từ hơn 100 năm qua đã là nơi đào tạo biết bao thế hệ võ sinh. Và ngày nay nhiều võ sinh của ông đã là vận động viên của đội tuyển quốc gia, đội tuyển của tỉnh. Những em học sinh đam mê võ thuật từ những xã, huyện khác cũng tìm đến dây cũng chỉ vì niềm đam mê huyền thoại võ mèo.

Một khoảng sân nhỏ ở thôi Kỳ Sơn, xã Phước Sơn nhưng đó chính là võ đường nổi tiếng nhất của vùng đất Tuy Phước. Điều làm nên tên tuổi của võ đường Phi Long Vịnh danh chấn miền trung chính là bài quyền tuyệt kỹ Ngọc Trản Ngân Đài. Bài quyền tuyệt kỹ Ngọc Trản Ngân Đài hiện được lưu truyền và phổ biến rộng rãi ở Bình Định với phương pháp luyện tập công phu, tấn công toàn diện kết hợp cương nhu, khi duy chuyển thì linh hoạt nhẹ nhàn nhưng khi ra đòn thì rất dũng mãnh. Song, người biểu diễn bài quyền Ngọc Trản có thần nhất hiện nay chính là võ sư Phi Long Vịnh. Ông có thể biểu diễn bài quyền này chỉ trong phạm vi một chiếc chiếu rộng 1m2, dài 1m6 với đủ thần, khí và lực.

Tại huyện Tây Sơn, quê hương của người anh hùng Nguyễn Huệ, trong những võ đường vẫn giữ được truyền thống “roi Thuận Truyền, quyền An Thái” vang danh khắp miền đất võ phải kể đến võ đường của võ sư Hồ Sừng, nên tiếp nối đường roi nghịch nổi tiếng của cha ông, đại danh sư Hồ Ngạnh. Vẫn giữ truyền thống cho truyền con nối tuyệt kỹ võ công những bài roi, côn độc đáo ấy vẫn được các thế hệ truyền nhau luyện tập.

Trong các võ đường nổi tiếng còn phải kể đến võ đường Lê Xuân Cảnh, một võ đường làng ở thôn Cẩm Văn, Nhơn Hưng, An Nhơn. Võ đường Lê Xuân Cảnh nổi tiếng với những bài tuyệt chiêu binh khí như: Song đao, song phủ, độc kiếm, song kích… nhưng có lẽ danh bất hư truyền chính là những bài roi Thái Sơn, Bát Quái, Trực Chỉ đã từng đánh bại hàng loạt các võ sĩ đến từ hàng chục quốc gia để lên ngôi vương tại liên hoan võ thuật quốc tế tại Liên Xô cũ vào năm 1990. Với hàng ngàn môn sinh thọ giáo từ gần 40 năm qua thế nhưng sân tập võ của làng Cẩm Văn cũng chỉ là một bãi đất trống ngoài trời. Nay đã gần 80 tuổi nhưng ông vẫn ngày đêm trực tiếp luyện võ miễn phí cho trẻ con ở làng vì với ông võ không phải là nghề mà là nghiệp tổ truyền cho và ông phải có sứ mạng lưu truyền cho các thế hệ.

Để giúp những người yêu tinh hoa võ Bình Định hội tụ và tỏa sáng, từ năm 2006 đến nay cứ hai năm một lần Bình Định lại tổ chức Liên hoan quốc tế võ cổ truyền Việt Nam. Năm 2014, Liên hoan quốc tế võ cổ truyền Việt Nam đã quy tụ gần 60 đoàn võ thuật với gần 800 võ sư, võ sĩ đến từ 24 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới và hơn 60 đoàn võ thuật trong nước.

Một thời khắc cảm động khi không phân biệt màu da và ngôn ngữ, các võ sư, võ sinh người nước ngoài, người Việt cùng thắp nén nhan bái tổ trước điện thờ hoàng đê Quang Trung tại đất võ Tây Sơn. Từ bốn phương hội tụ về Miền Đất Võ, các môn sinh nước ngoài đã đến với võ cổ truyền Bình Định bằng cả tấm lòng trân trọng của những người yêu quý võ cổ truyền Việt Nam như đứa con hành hương về với đất tổ cội nguồn.

Liên hoan cũng là dịp mà người dân Bình Định chia sẻ tình yêu võ thuật, truyền thống thượng võ của mình đến hàng ngàn người yêu võ thuật đến từ khắp nơi. Tại các võ đường thôn quê, các chàng trai cô gái võ sinh Bình Định giao lưu, phô triển tuyệt kỹ của mình cùng với những người banj võ nước ngoài. Những người khác màu da, khác ngôn ngữ vẫn tìm được một tiếng nói chung trong tình yêu võ thuật cổ truyền của Việt Nam.

Và thật ý nghĩa khi tại liên hoan quốc tế võ cổ truyền Bình Định lần thứ 5, lãnh đạo bộ VH – TT – DL đã trân trọng trao cho đại diện của tỉnh Bình Định bằng công nhận Võ Bình Định là di sản văn hóa phi vật thê quốc gia trước sự chứng kiến của giới võ thuật trong và ngoài nước.

Liên hoan quốc tế võ cổ truyền Viêt Nam

Đến với Bình Định, những người đam mê võ trong nước và trên thế giới đều được chứng kiến sức sống mãnh liệt của truyền thống võ thuật kết tinh trong những võ đường Bình Định. Đó là là một di sản văn hóa độc đáo và đầy tự hào của người Bình Định, của dân tộc Việt Nam.

Như dòng sông Côn vươn mình ra biển lớn, tinh hoa Võ Bình Định vẫn chảy trong đời sống võ thuật hiện đại, hội tụ và tỏa sáng.

Theo: VÕ BÌNH ĐINH DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ QUỐC GIA

No comments:

Post a Comment

Danh sách trang