Bài mới

Sunday, October 4, 2015

Luyện tấn pháp, thủ pháp, tất pháp và cước pháp trong Võ cổ truyền Việt Nam, những kỹ thuật căn bản nhất

 Võ thuật cổ truyền khởi nguồn từ nhu cầu cuộc sống và tự vệ chiến đấu để sinh tồn. Tiền nhân của chúng ta từ xa xưa đã biết cách tay đánh, chân đá, ngáng vật, tóm bắt đến những cách ném đá, phóng lao, đánh gậy, bắn cung, nỏ, sử dụng đao, kiếm... để chống chọi với thú dữ và kẻ thù nhằm bảo vệ cuộc sống, bộ tộc và lãnh thổ của mình.

 Võ thuật cổ truyền được lưu truyền trong dân gian theo dòng lịch sử, được sàng lọc, tái tạo, tô bồi để làm nên một bản sắc văn hóa riêng giữa vùng trời trác tuyệt. Đó là tinh thần thượng võ.

 Trong quân sự xưa, Võ thuật cổ truyền Việt Nam có vị trí rất quan trọng, vì đó là phương tiện chiến đấu hữu hiệu với các kỹ thuật, chiến thuật, trận đồ tác chiến. Các nghĩa quân sử dụng nhiều loại hình binh khí phong phú với các thế đánh cận chiến để sinh tồn, dụng mưu lược để mưu sinh, thoát hiểm, để bảo vệ quê hương tổ quốc. Qua thời gian, Võ thuật cổ truyền hình thành nên môn phái và hệ thống bài bản cùng các giá trị nghệ thuật khác lưu truyền cho hậu thế đến hôm nay.

Võ thuật cổ truyền Việt Nam thể hiện một số đặc điểm:
- Mang tính chiến đấu võ trận, sử dụng trong trận mạc chống ngoại xâm và chinh phục thiên nhiên hoang dã.
- Thích hợp với nhiều loại địa hình, khả năng cận chiến trong phạm vi hẹp rất cao.
- Thực dụng, linh hoạt, dĩ công vi thủ, dĩ nhu chế cương, dĩ đoản chế trường.
- Có Thập bát ban võ nghệ với nhiều loại hình binh khí ngắn, dài khác nhau, có binh khí đặc dị sử dụng riêng của từng môn phái.
- Các bài quyền đều có tên thế, có lời thiệu bằng thơ hay bằng phú.
......
 Tìm lại vốn quý của Võ thuật cổ truyền Việt Nam không phải là công việc một sớm, một chiều, không phải chỉ của một người hay riêng võ giới, mà là của nhiều người, nhiều nhà nghiên cứu võ học, khoa học, lịch sử, văn hóa, đặc biệt là y học cổ truyền và triết học Đông Phương... Để đạt được mục đích ấy, Võ thuật cổ truyền Việt Nam rất cần đến sự hỗ trợ cả hai mặt tinh thần lẫn vật chất của các cơ quan, ban, ngành hữu quan, vì qua nghiên cứu thực tế cho thấy rằng Võ thuật cổ truyền Việt Nam là văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Bộ tấn trong Võ cổ truyền Việt Nam
Gồm có 3 bộ tấn: Thượng bộ tấn, trung bộ tấn và hạ bộ tấn.

1. Thượng bộ tấn:
- Lập tấn: Tư thế đứng thẳng (nghiêm), hai mũi bàn chân mở hình chữ "V", hai gót chân sát nhau, hai tay quyền cuộn kéo về thủ hai bên hông.
- Hạc tấn: Là tấn đứng theo tượng hình con Hạc đứng 1 chân.
 Kỹ thuật hình Hạc tấn: Chân trái làm trụ thẳng, chân phải co, hợp thành góc co 90°, bàn chân phải hướng về phía trước, bàn chân phải song song với mặt đất, hai tay cuộn quyền kéo về thủ hai bên hông.

2. Trung bộ tấn:
- Trung bình tấn: Tư thế hai chân rộng khoảng hai lần vai, hai gối khuỵu xuống thấp (nhưng ở tư thế trung bình), hai tay quyền cuộn kéo về thủ hai bên hông.
 Kỹ thuật lập thành trung bình tấn:
+ Từ tư thế lập tấn (hai chân sát nhau) mở ra 4 lần bàn chân rồi khuỵu hai gối xuống.
+ Từ tư thế "Hạ mã" (1 chân ngồi, 1 chân duỗi thẳng) rồi đứng lên lập thành trung bình tấn (nhưng tư thế này hơi rộng).
- Đinh tấn: Tư thế đứng theo hình tượng chữ đinh "J".
 Kỹ thuật lập thành Đinh tấn: Chân trước gập, mũi bàn chân trước xoay hướng vào trong, chân sau thẳng, mũi bàn chân sau nghiêng một góc nhỏ, tư thế người thẳng, hai tay thủ hai bên hông, khoảng cách giữa hai chân rộng bằng hai vai.
- Trảo mã tấn: Tư thế đứng nhón gót chân trước, chân sau hơi khuỵu, trọng lượng dồn vào chân sau (trọng lượng dồn vào chân sau 8 phần, chân trước 2 phần, hoặc chân trước 7, sau 3).
- Miêu tấn: (Tấn con mèo) Tư thế của miêu tấn hình thành theo cách 2 chân khép kín kể cả hai bàn chân, hai gối hơi khuỵu xuống, vai giữ ngang, lưng thẳng hai tay cuộn thành nắm quyền kéo về thủ hai bên hông.
- Xà tự tấn: (Tấn chéo) Tư thế của Xà tự tấn hình thành bằng cách hai chân bắt chéo nhau thành chữ "X", gối sau ép vào phía sau của của khớp gối chân trước, hai tay quyền cuộn kéo về thủ hai bên hông.

3. Hạ bộ tấn:
- Hạ mã tấn: Tư thế của hạ mã tấn giống trung bình tấn nhưng vị trí lập thành phải khuỵ hai chân trụ thật thấp, hai tay quyền cuộn kéo về thủ hai bên hông. Trọng tâm cơ thể nằm giữa hai chân.
- Tọa tấn: Tư thế lập thành tọa tấn là ngồi hẳn trên 1 chân, chân còn lại co ép sát vào thân người (chân xếp để ngồi trên mặt đất, lưng bàn chân úp xuống đất), hai tay quyền cuộn kéo về thủ hai bên hông.
- Quy tấn: Tư thế lập thành Quy tấn là một chân quỳ gối chạm đất, lưng bàn chân úp xuống mặt đất, mũi bàn chân hướng về phía sau, chân còn lại gối co hợp thành một góc 90o, hai tay quyền cuộn kéo về thủ hai bên hông.
- Ngọa tấn: Tư thế lập thành Ngọa tấn giống như tư thế lộn người (lăn người) về phía trước trên chiều nghiêng phía sau của một vai (không để phần đầu chạm đất khi thực hiện kỹ thuật Ngọa tấn).

Bộ Tấn di chuyển:
Bộ tấn di chuyển này có ưu điểm là :
 1. Bắt đầu ở điểm nào sau khi di chuyển lại trở về điểm đấy và chỉ di chuyển trên một hình vuông nên có thể huấn luyện cho một số đông võ sinh đồng diễn mà không mất nhiều diện tích sân tập.
 2. Mỗi thế tấn được lặp lại một lần ở phía ngược lại nên tập đều cả 2 chân.
 3. Sự chuyển đổi từ tấn này sang tấn khác hợp lý, thuận chiều, về hình thức tạo ra sự mạch lạc không bị rối.

Diễn giải chuyển tấn:

Diễn giải chuyển tấn

A. Lượt đi :
Chuẩn bị ở vị trí A: Đứng thẳng 2 chân khép, 2 tay buông xuôi 2 bên thân.
- Lập tấn: ( Kéo 2 nắm tay lên thủ hai bên hông) ở điểm A.
- Miêu tấn: tại điểm A.
- Trung bình tấn: Bước chân trái sang điểm B.
- Đinh tấn: Xoay qua bên trái.
- Trảo mã tấn: Chân phải bước lên điểm G .
- Xà tự tấn: Chân phải bước lên điểm C.
- Hạc tấn: Co chân phải, chân trái vẫn ở điểm C.
- Tọa tấn: Ngồi xuống tại điểm C.
- Quy tấn: Chân phải lùi về điểm D.
- Hạ mã tấn (nhìn hướng sau): Xoay qua trái, lùi chân trái về điểm E.

B. Lượt về :
- Lập tấn: Chân trái bước về điểm D.
- Miêu tấn: Tại điểm D.
- Trung bình tấn: Bước chân trái sang điểm C.
- Đinh tấn: Xoay qua bên phải.
- Trảo mã tấn: Chân phải bước lên điểm G.
- Xà tự tấn: Chân phải bước lên điểm B.
- Hạc tấn: Co chân trái, chân phải vẫn ở điểm B.
- Tọa tấn: Ngồi xuống tại điểm B.
- Quy tấn: Chân trái lùi về điểm A .
- Hạ mã tấn: Xoay qua phải, chân phải về điểm H.

Kết thúc di chuyển tấn ở vị trí A:
 Đứng lên chân phải bước về điểm A, hai chân khép sát nhau, lưng và hai chân đều thẳng, hai tay buông xuôi hai bên thân, điều hòa hơi thở sâu, đều, êm theo phương pháp thở bụng.

Thủ pháp, tất pháp và cước pháp trong Võ cổ truyền Việt Nam

Kỹ thuật thủ pháp hình thành như sau: Gồm có 4 bộ.

1. Bộ thôi sơn: kỹ thuật đánh bằng nắm đấm có 05 phần.
- Thôi sơn quyền: Kỹ thuật đòn đấm thẳng.
- Đăng sơn quyền: Kỹ thuật đấm sốc từ dưới lên.
- Hoành sơn quyền: Kỹ thuật đấm móc vòng từ ngoài vào.
- Bạt sơn quyền: Kỹ thuật đánh bạt từ trong ra.
- Giáng sơn quyền: Kỹ thuật đánh bằng quả đấm từ trên xuống.
 Ngoài ra còn: Hồng ánh (đánh bằng đốt thứ 2 còn ngón trỏ, ngón cái cặp sát ngón trỏ)

2. Bộ cương đao: Kỹ thuật sử dụng cạnh bàn tay có 05 phần.
- Cương đao phá (trảm) thạch: Kỹ thuật chém cạnh bàn tay thẳng từ trên xuống.
- Cương đao trảm mộc: Kỹ thuật chém xéo xuống 45o
- Cương đao lìa cành: Kỹ thuật chém vớt ngược lên 45o
- Cương đao phạt mộc: Kỹ thuật chém ngang bằng cạnh bàn tay từ trong ra ngoài.
- Cương đao phạt thảo: Kỹ thuật chém bằng cạnh bàn tay giữa từ ngoài vào trong.

3. Bộ phượng dực: Kỹ thuật sử dụng cùi chỏ có 07 phần.
- Phượng dực ẩn long: Kỹ thuật đánh chỏ cắm từ trên xuống.
- Phượng dực loan đài: Kỹ thuật đánh chỏ từ dưới ngược lên trên.
- Phượng dực kim chung: Kỹ thuật đánh chỏ thúc ngang.
- Phượng dực bạt phong: Kỹ thuật đánh chỏ tạt từ ngoài vào.
- Phượng dực bạt hổ: Kỹ thuật đỡ bằng chỏ tạt đứng từ ngoài vào.
- Phượng dực hoành phong: Kỹ thuật đánh chỏ lật ngược ra phía sau.
- Phượng dực thần xà: Kỹ thuật đánh chỏ thúc ra phía sau.

4. Bộ thú chỉ: Kỹ thuật sử dụng các ngón tay có 5 phần.
- Nhất dương chỉ: Kỹ thuật tấn công bằng 1 ngón tay (ngón tay trỏ)
- Song chỉ thu chân: Kỹ thuật sử dụng 2 ngón tay trỏ và giữa cùng một lúc, mở 2 ngón hình chữ "V"
- Tam chỉ ấn nguyệt: Kỹ thuật áp dụng 3 ngón tay (ngón cái, trỏ, giữa) cùng một lúc để tấn công hoặc ấn vào các huyệt đạo.
- Tứ chỉ trường xuyên: Kỹ thuật đâm thẳng bằng 4 ngón tay khép kín.
- Ngũ chỉ thu đào: Kỹ thuật sử dụng 5 ngón tay, các ngón tay duỗi thẳng, hở cách nhau.

Kỹ thuật tất pháp hình thành như sau:

Tất pháp: Kỹ thuật sử dụng các đòn đánh của đầu gối có 4 phần
- Trực tiêu: Kỹ thuật đánh gối từ dưới lên.
- Xuyên tiêu: Kỹ thuật đánh gối xéo từ ngoài vào.
- Chấn tiêu: Kỹ thuật đánh gối trấn xuống.
- Phi tiêu: Kỹ thuật đánh gối bay, gối trước kéo gối sau bay lên.

Kỹ thuật cước pháp hình thành như sau:

 Cước pháp: Kỹ thuật sử dụng bàn chân để hình thành các đòn đá. Có 2 bộ tiền cước và hậu cước.

1. Bộ tiền cước: Kỹ thuật các đòn đá về phía trước có 8 phần.
- Kim tiêu cước: Kỹ thuật đá đâm mũi bàn chân về phía trước.
- Long thăng cước: Kỹ thuật đá hất gót chân từ dưới lên trên.
- Đảo sơn cước: Kỹ thuật đá vòng cầu bằng lưng bàn chân hoặc ống chân.
- Bàng long cước: Kỹ thuật đá tống ngang ra bằng cạnh bàn chân.
- Tảo địa cước: Kỹ thuật đá quét Tảo.
- Trực tiêu cước: Kỹ thuật đá tống ra trước bằng ức bàn chân.
- Lôi phong cước: Kỹ thuật đá nện gót chân từ trên xuống.
- Tảo phong cước: Kỹ thuật đá quét lòng bàn chân từ ngoài vào trong gọi là tảo phong thuận, kỹ thuật đá tạt một phần lưng và cạnh bàn chân từ trong ra ngoài gọi là tảo phong nghịch.

2. Bộ hậu cước: Kỹ thuật đá về phía sau có 5 phần.
- Hổ vĩ cước: Kỹ thuật đá mũi chân về phía sau.
- Câu liên cước: Kỹ thuật đá móc gót chân về phía sau.
- Nghịch lân cước: Kỹ thuật đá tống nghịch bằng cạnh hoặc gót chân về phía sau.
- Lưu vân cước: Kỹ thuật đá móc gót vòng 360o
- Nghịch mã cước: Kỹ thuật chống 2 tay xuống đất đá nghịch gót chân lên phía sau bằng 1 hoặc 2 chân. 

Trích: 10 bài võ qui định của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam - LĐ VTCT VN

No comments:

Post a Comment

Danh sách trang