Bài mới

Monday, October 27, 2014

Những ngọc nữ nấu rượu ngon, thơ hay và giỏi võ

Nhiều năm trước, nhân hành trình ẩm thực Xứ Nẫu nhâm nhi rượu Bàu Đá cá sông Côn và thưởng thức màn biểu diễn “con gái Bình Định bỏ roi đi quyền”, các nhà báo có phỏng vấn tôi về đặc điểm của phụ nữ Bình Định...


Tôi buột miệng ngay tắp lự: “nấu rượu ngon, làm thơ hay và đánh võ giỏi!”. Thế là câu hỏi thứ hai được họ đặt ra, theo ý anh đàn ông Bình Định thì thế nào, câu trả lời cũng trơn tru vì nó là hệ quả của vế thứ nhất: “biết uống rượu, biết nghe thơ và biết…chịu đòn”.


Không rõ có ai tự ái vì câu trả lời “trời cho” của tôi không, tuy nhiên từ lúc bài báo ấy ra đời đến nay đã mười năm có lẻ, ngoài việc được chào đón bằng nụ cười ý nhị, tôi chưa bị nhận một cú đấm thôi sơn nào của các cô gái đất võ.


Giới mày râu ít ai không để ý đến khái niệm “tứ đại mỹ nhân” với các vẻ đẹp chim sa cá lặn, hoa nhường nguyệt thẹn. Bóng hình nàng Tây Thi giặt lụa ở bến sông in xuống làm cho đàn cá say mê quên bơi, chìm dần xuống đáy. Chim nhạn cảm thương đứt ruột sa xuống đất khi nhác thấy vẻ đẹp u sầu của nàng Vương Chiêu Quân trên đường đi cống Hồ.


Những bông hoa chợt thu mình, lá xanh cuộn lại khi nàng Dương Quý Phi dạo vườn thượng uyển, vô tình chạm phải. Những làn mây tế nhị giăng lên che cho vầng trăng bớt thẹn thùng khi Điêu Thuyền thả gót sen bên sân rằm.


Riêng ở xứ Nẫu, những ngọc nữ trong làng võ thường sở hữu một nhan sắc dữ dội và minh triết chốn gươm đao, có thể gọi là thần sầu quỷ khốc cũng không ngoa. Ấy là những vẻ đẹp không để làm cảnh cho vua chúa, kiểu “trầm ngư lạc nhạn, tu hoa bế nguyệt” như tứ đại mỹ nhân Trung Hoa mà chất chứa phẩm chất “hỏa diệm sơn” đối trọng với sức mạnh của hoang dã, của bạo quyền...


Con hổ là chúa sơn lâm, điều này khỏi bàn, ai cũng sợ nó, nhưng nó lại sợ…mỹ nhân đất võ. Bởi đối với Bùi Thị Xuân, nó chỉ chưa đáng một bát xáo! Giữa rừng, bà gặp nó đang quần thảo với Trần Quang Diệu, bà hét lên chỉ vài đường quyền là nó cong đuôi chạy, hồn xiêu phách lạc!


Còn to lớn nhất non cao nước cả là loài voi, vị nữ tướng xinh đẹp lại thuần hóa đến hàng trăm chiến tượng phục vụ mục đích chiến lược của sơn hà xã tắc, cùng những nhan sắc mỹ miều cộng sự dưới trướng là Bùi Thị Nhạn, Trần Thị Lan, Nguyễn Thị Dung, Huỳnh Thị Cúc thành “Tây Sơn ngũ phụng thư” chỉ huy đội tượng binh, làm cho quân Xiêm La run như cầy sấy ở Rạch Gầm- Xoài Mút và giặc Mãn Thanh nghe uy cũng vãi linh hồn ở Ngọc Hồi- Đống Đa!


Ấy là cỡ nữ tướng của quốc gia. Còn thôn nữ Trần Thị Quyền ở Bồng Sơn, da trắng tóc mượt, nhan sắc của xứ sở phù sa hoa dừa, một hôm cùng mẹ vào núi hái củi, gặp hổ bất ngờ gầm, mẹ già ngất đi, thôn nữ liền bênh mẹ, quắc đôi mắt lá răm, hổ bất ngờ vụt thấy quay đầu lủi mất. Không biết con hổ này có suy nghĩ là mình đã hố hay không, tối hôm sau quay lại căn nhà góa bụa của hai mẹ con ngồi nghe ngóng.


Khi mẹ mở cửa ra sân, bị hổ rình sẵn vồ ngã, Trần Thị Quyền thấy động, trong nhà lao vút ra, huơ một đường dao ngang yết hầu hổ, cu cậu chẳng kịp kêu một tiếng ăn năn trước khi chầu trời. Đúng là con hổ này quá bất hạnh vì đã chọn nhầm đối thủ. Mà đâu chỉ có hổ. Nhiều trai tráng thán phục, kiếm đủ cách nhờ mai mối dạm hỏi Trần thôn nữ, đều nhận từ vầng trán kiêu hãnh kia những cái lắc đầu. Hầu hạ mẹ đến mãn kiếp, trọn tang, Trần thôn nữ mới chịu vướng vào phận thê nhi.


Ở đất võ, không thiếu những khách má hồng là những nữ võ sư, môn quyền An Thái có bà Sáu Sanh, môn roi Thuận Truyền có bà Quỳnh Hà, còn môn quyền An Vinh là sở trường và định danh của bà Tám Cảng.


Thời xuân sắc, nàng Tám Cảng đứng trước võ đường Hương Mục Ngạt tuyên bố ai muốn nàng nâng khăn sửa túi, phải vượt qua cửa đấu. Lần lượt ba đấng tu mi muốn đặt cau trầu, không đỡ được cú liên hoàn cước thâm trầm sắc sảo của nàng, một chàng văng vào lu nước, một chàng bay khỏi hàng rào, một chàng lọt trong hồ cá là chuyện được bà con xứ Nẫu nhiều đời truyền tụng.

Trính: báo danviet.vn

No comments:

Post a Comment

Danh sách trang