2. Các môn binh khí
Nội dung của võ cổ truyền
Bình Định chính là sự tập trung xử lý các mối quan hệ giữa quyền thuật với các
môn binh khí và am hiểu tường tận tính chất lợi hại, hỗ tương của chúng. Người
giỏi võ công phải là người biết phối kết hợp nhuần nhuyễn giữa quyền thuật với
các môn binh khí, phải biết tận dụng các môn sở trường và sở đoản trong từng
tình huống cụ thể, từng đối tượng cụ thể.
a) Phân nhóm binh khí:
Binh khí được sử dụng
như một loại vũ khí cực kỳ lợi hại, đồng thời là công cụ hỗ trợ đắc lực để
nhanh chóng áp đảo và tiêu diệt đối phương, nhất là lấy ít đánh nhiều hoặc công
phá vòng vây. Các môn binh khí được phân ra làm hai nhóm: Binh khí ngắn và binh
khí dài.
Binh khí dài gồm các
môn như: côn (roi), thương, đại đao, giáo, mác, trường kiếm, chỉa ba…
Binh khí ngắn gồm các
môn như: dao, rựa, đoản kiếm, búa (phũ), lưỡi lê, mã tấu, cung…
Trong các môn binh khí
của võ cổ truyền Bình Định, môn roi là một trong những môn hàng đầu được ứng dụng
khá phổ biến ở Bình Định.
b) Phần căn bản của môn
roi
Côn (ở Bình Định quen gọi
là roi): Là một loại binh khí tiêu biểu được áp dụng khá rộng rãi, thuộc nhóm
binh khí dài thường gọi là trường côn (roi dài). Roi làm bằng gỗ dẻo, mây già
hoặc tre đặc. To hay nhỏ tùy theo bàn tay người sử dụng lớn, nhỏ. Mặt khác ở
Bình Định, roi là môn nổi tiếng không chỉ ở Thuận Truyền mà còn lan rộng khắp
nơi trong tỉnh và cả trong nước mà tên tuổi của võ sư Hồ Nhu đã đi vào huyền
thoại. Đường roi bí truyền của ông vẫn còn lưu truyền trong dân gian mãi cho đến
nay. Qua khảo sát và truy tìm gốc tích thì hiện nay ở Bình Định có rất nhiều võ
đường giỏi về roi như: võ đường Lý Xuân Hỷ, Lâm Ngọc Phú, thầy Bửu Thắng ở An
Nhơn, võ đường Hà Trọng Sơn, Phi Long Vịnh và phái võ chùa Long Phước ở Tuy Phước,
võ đường Phan Thọ, võ đường Hồ Sừng (cháu của Hồ Nhu) ở Tây Sơn… Nhiều võ sư tiền
bối ở thời Tây Sơn có đô đốc Nguyễn Văn Lộc với bài roi "Không tiên".
Thầy dạy Hồ Nhu là Hồ Khiêm với đường roi tuyệt kỷ là "Lạc Côn", đó
là đường roi có một không hai: "Dựa sức đối phương để đánh lại đối
phương" - thường gọi là cộng lực. Còn các đường roi bí truyền như:
"Đâm so đũa", "Roi đánh nghịch", "Đá văng roi",
"Phá vây", "Roi chiến"… là những bảo vật của võ cổ truyền
Bình Định.
Các phách roi cơ bản của võ cổ truyền Bình Định:
Cấu tạo một bài roi bao
gồm hai phần: lời thiệu và động tác. Lời thiệu thường là thể thơ, ca dao dân
gian… Động tác bao gồm động tác riêng lẻ đến động tác liên hợp, các đòn thế tấn
công và phòng thủ theo các phách cơ bản như:
* Bát, bắt, triệt, chận:
sử dụng các phách này nặng về thủ để triệt phá hết các đòn tấn công của đối
phương, dụ đối phương vào vòng vây để thuận bề sát thủ, nếu đối phương phát hiện
né tránh thì ra đòn "đâm so đũa".
* Hoành, khắc, lắc,
tém: Sử dụng các phách này là vừa thủ vừa công.
Phân tích từng phách
như sau:
- Bát: là trừ thế đánh
bổ từ trên xuống của đối phương.
- Bắt: là trừ đòn đâm từ
nửa thân trên của đối phương.
- Triệt: là trừ đòn
đánh tạt ngang sườn của đối phương.
- Chận: là trừ thế đánh
phất cờ của đối phương.
Nói chung là trừ để dụ
đối phương, "trá bại" để tấn công trả lại đòn đối phương.
- Hoành: Hoành roi bên
trái rồi bên phải để lựa thế thuận tiện tấn công đối phương.
- Khắc: tức là khắc giần
roi của đối phương văng ra xa để phá đòn tấn công của đối thủ.
- Lắc: Trừ và né đòn tấn
công đâm thẳng từ thắt lưng trở lên của đối phương.
- Tém: Tém gạt tất cả đầu
roi, đòn đâm thẳng của đối phương.
Cần lưu ý sau khi sử dụng
phách này như sau:
+ Dùng thủ để công
+ Trước thủ sau công
+ Trừ công để thủ
+ Thủ giả công thật
Khi xáp trận, đối
phương tranh thủ tấn công trước thì buộc ta phải sử dụng "dùng thủ để
công". Thủ không được thụ động, mà phải dùng các phách hợp lý để triệt
tiêu đòn tấn công đối phương rồi ra đòn tiêu diệt đối phương. Hay dùng
"trước thủ sau công" cũng là thế thủ có thể giả vờ "trá bại"
để dụ đối phương vào thế đánh của ta, hay có lúc dùng "trừ công để thủ"
khi đã trừ được các đòn tấn công của đối phương rồi, thì không nên tấn công
ngay mà phải thủ cho kín chặt không cho đối phương ra đòn tấn công tiếp. Sau
khi thủ xem xét phán đoán rất nhanh để xem đối phương phản ứng ra sao mà có đối
sách thích hợp. Có thể thủ giả công thật, để đánh lừa đối phương tưởng ta yếu mệt
mà tấn công ta, lúc đó ta phải nhanh chóng chuyển thủ thành công.
Roi chiến, roi trận và
roi đấu trong võ cổ truyền Bình Định:
Nội dung roi có nhiều
môn, mỗi môn có nhiều bài, gồm các bài biểu diễn và bài thi đấu. Trong bài biểu
diễn, gồm bài quy định bắt buộc theo quy chế thi đấu hiện nay do Liên đoàn võ cổ
truyền Việt Nam quy định. Thời xa xưa, về roi cũng có bài biểu diễn để phục vụ
cho các ngày lễ hội. Già, trẻ, gái, trai đều tham gia biểu diễn. Còn roi thi đấu
mang tính chất đối kháng có các loại như sau:
* Roi chiến:
Là loại thi đấu giữa
hai người và một người đánh với một người. Roi chiến không có bài bản, chỉ sử dụng
các đòn thế để tấn công và phòng thủ.
Hiện nay, mỗi môn phái ở
Bình Định có các đòn roi bí truyền và các bài riêng cho môn phái mình và khi sử
dụng cũng khác nhau. Roi chiến có hai tác dụng sát phạt và gây tử thương, thứ
hai là cách phá công (phá vây) hoặc đánh ở địa hình hẹp, tùy theo số lượng đối
phương nhiều hay ít mà sử dụng các đòn thế bí truyền phù hợp.
Tương truyền, Hồ Nhu
khi vào đánh với một võ sư người Minh Hương ở Phú Yên, ông này võ nghệ cũng rất
cao cường, các bạn của Hồ Nhu đánh không lại. Hồ Nhu bảo các bạn lui ra để ông
xông trận. Hồ Nhu lừa thế trá bại, võ sư Minh Hương đuổi theo. Trúng thế, Hồ
Nhu nhanh chóng chiếm được vị trí lợi hại. Võ sư Phú Yên không chịu thua, hai
bên lại tiếp tục đánh nhau quyết liệt. Hồ Nhu thình lình ra đòn tuyệt kỷ "đâm
so đũa" để hạ đối thủ.
Còn đây là đòn "Lạc
Côn" của võ sư Bầu Đê: Đang đánh nhau với một võ sư khác, ông thả rơi đầu
roi xuống giữa hai chân. Đối phương tưởng ông rớt roi xông tới để đánh, Bầu Đê
dùng sức bật ngọn roi lên, đối phương hết đường tránh né, bị hất té nhào.
Roi chiến dùng đánh phá
vây khi một người chống lại nhiều người, một người đánh năm người gọi là
"roi năm". Một người đánh mười người gọi là "roi mười". Cứ
như thế tăng lên bao nhiêu thì gọi bấy nhiêu roi. Muốn đánh giải vây thì phải
tìm cho được một nơi để dụ mọi người chú ý vào đó, rồi tìm cách giả vây. Nếu bí
quá thì mở đường máu chạy thoát thân thì gọi là "ra cửa".
* Roi trận:
Là loại hình đánh nhau
có trận tuyến, thường xảy ra trong các cuộc chiến tranh. Hai bên bày binh bố trận
rồi áp sát vào nhau mà chiến đấu. Có thể đánh từng đôi, nhiều cặp, một người
đánh nhiều người, có trận đấu ít người, có trận đấu nhiều người, hàng trăm hàng
nghìn người tham gia. Hai bên dùng nhiều đòn thế, nhiều thao lược để tìm cách
tiêu diệt được nhiều đối phương. Quang Trung-Nguyễn Huệ đã truyền dạy các thế
roi đánh "cận chiến" cho các tướng sĩ. Trong các chiến công oanh liệt
từ nam ra bắc, quân đội Tây Sơn áp dụng cách đánh cận chiến hết sức độc đáo, hiệu
nghiệm, kể cả đánh trên lưng ngựa, lưng voi và đã tiêu diệt nhiều quân địch.
* Roi đấu:
Roi đấu là một trong những
nội dung thi đấu của triều đại nhà Nguyễn để tuyển chọn nhân tài võ nghệ (Tiến
sĩ Võ, Cử nhân Võ). Bình Định cũng có nhiều người thi đậu Tiến sĩ Võ, Cử nhân
Võ.
Cùng với môn roi, môn
kiếm cũng được truyền dạy khá phổ biến trong các võ đường của Bình Định. Kiếm gồm
song kiếm, độc kiếm, kiếm cong, kiếm thẳng, kiếm ngắn (đoản kiếm), kiếm dài
(trường kiếm).
Kiếm cong có vỏ bọc bên
ngoài, thường gọi là kiếm lệnh dùng cho những ai đảm trách việc ra lệnh cho người
khác thi hành (gọi là kiếm chỉ huy).
Kiếm thẳng (có bao hoặc
không bao) là kiếm phổ biến dùng trong tập luyện, thi đấu và giáp trận.
Đặc biệt, thời kỳ chống
Pháp ở Bình Định đã phổ biến và sử dụng khá rộng rãi bài "kiếm 12",
bài kiếm được hình thành từ 12 động tác được rút tỉa trong các bài kiếm bí truyền...
Theo Bước đầu nghiên cứu
nguồn gốc, đặc trưng võ cổ truyền Bình Định - baobinhdinh.com.vn
No comments:
Post a Comment