Bài mới

Wednesday, October 8, 2014

Võ thuật Bình Định. Phần 1: Quyền thuật

Trong quá trình phát triển của dân tộc, qua thời gian dài chiến đấu chống ngoại xâm để giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc, võ thuật là bạn đồng hành không thể thiếu được và đã góp phần đánh thắng giặc ngoại xâm, giành thắng lợi to lớn cho đất nước.

Người dân Bình Định đã rất tự hào và thấy rõ tác dụng của võ không chỉ đem lại thể lực, sức khỏe, tinh thần dũng cảm, ý chí quật cường của nhân dân trong lao động sản xuất, chiến đấu, góp phần xây dựng cuộc sống bình yên, hạnh phúc mà còn là di sản văn hóa tinh thần vô giá thể hiện sức mạnh của dân tộc.

Võ thuật bao gồm hai nội dung cơ bản như: quyền thuật và các môn binh khí.

Võ Bình Định - Quyền thuật
1. Quyền thuật

Quyền thuật bao gồm các môn luyện tập tay không, không có binh khí, chỉ dùng tay, chân, cấu tạo
bằng cương quyền và nhu quyền, với kỹ thuật từ đơn giản đến phức tạp, bao gồm đòn công và đòn thủ lợi hại, đánh trả đòn rất quyết liệt, mang tính sát thương cao. Những bài cương quyền dùng sức mạnh với mục đích tấn công áp đảo, đè bẹp đối phương nhanh. Nhu quyền thể hiện những động tác mềm mại, mang tính thủ, né tránh linh hoạt, uyển chuyển, lợi dụng tình thế từ thủ sang tấn công nhanh cực kỳ lợi hại.

Phân loại các nhóm quyền (võ):

- Võ thể dục: là nội dung tập thể dục hoặc tập thể lực được rút tỉa và cách điệu trong các bài võ, ngoài ra còn có môn võ dưỡng sinh là môn tập dành riêng cho người lớn tuổi. Võ biểu diễn là môn võ thường xuất hiện ở các ngày lễ hội và là một trong các môn thi đấu võ cổ truyền Bình Định.

- Võ tự vệ: Trước đây và nhất là thời Tây Sơn, mọi người dân đua nhau học võ để tự vệ bản thân, chống chọi với thú dữ và chống đạo tặc, cướp đường, về sau để tự vệ chống lại bọn quan tham ô lại hà hiếp dân lành, đòi sưu cao thuế nặng, quấy nhiễu lương dân. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của nhân dân ta, võ tự vệ là một nội dung của binh chủng đặc công, bộ đội hoạt động nội tuyến vận dụng nó để tiếp cận quân thù, tiêu diệt chúng không có tiếng động và tiếng nổ.

- Võ tỉ thí (còn gọi là võ đài): Là một loại hình thi đấu khá đặc biệt, có một võ sĩ thủ đài. Đài không cố định, bất cứ chỗ nào (trên đồng ruộng khô, trên đồi núi) miễn sao có một khoảng đất trống để hai người có thể đấm đá là được. Có lúc cũng có sàn đài cao hơn 1 mét, với diện tích không cố định, không có dây "rin" bảo vệ xung quanh. Võ sĩ thủ đài, thượng đài thách đấu tất cả các võ sĩ không phân biệt tuổi tác, không cần đến trọng tài, hai người dùng đủ mánh khóe, ra đòn công, thủ tùy ý, đánh nhau không tính thời gian, hễ ai bỏ chạy hoặc rơi xuống đài là thua cuộc.

Còn võ chiến đấu bao gồm võ để thi đấu, hoặc võ để chiến đấu từ hai người trở lên: hai loại này đều mang tính đối kháng cao và trực tiếp nguy hại đến tính mạng.

+ Võ thi đấu: Là một nội dung thi đấu theo một quy định bắt buộc, có sàn đài, luật lệ, có trọng tài, giám định, giám sát có dụng cụ bảo hiểm và mọi người thi đấu đều tuân thủ theo quy định thống nhất.


+ Võ chiến đấu: Là võ đánh nhau thực sự, đánh với mọi đối tượng, đánh không có ràng buộc gì cả, đánh nhau trên mọi trận địa với tất cả các loại võ khí hiện có. Chủ yếu đánh nhau ở cự ly gần (cận chiến hay còn gọi là đánh xáp lá cà). Loại võ chiến đấu này được áp dụng rộng rãi ở cả các giai đoạn lịch sử trước, trong và sau thời Tây Sơn. Trong chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, bộ đội đặc công của ta đã vận dụng võ chiến đấu đánh vào tận sào huyệt của địch để tiêu diệt chúng. Võ chiến đấu thường ít có bài bản nhất định, mà chủ yếu là sử dụng các đòn thế, đặc biệt là đòn thế bí truyền nguy hiểm hoặc đánh vào các huyệt đạo có thể gây tử vong, hoặc chết dần chết mòn về sau không có thuốc gì chữa được (Chỉ có phương cách duy nhất là dùng thuốc võ đặc trị hoặc thế giải huyệt của người đã đánh mình để cứu chữa).

Võ Bình Định - Binh khí đánh với Binh Khí
Võ chiến đấu bao gồm một số nội dung:
Võ tay không đánh với tay không
Võ tay không đánh với binh khí
Võ binh khí đánh với binh khí

Hai người cùng đấu một loại binh khí như roi, kiếm, thương… hoặc bằng binh khí khác chủng loại.

Theo Bước đầu nghiên cứu nguồn gốc, đặc trưng võ cổ truyền Bình Định - baobinhdinh.com.vn

No comments:

Post a Comment

Danh sách trang