Bài mới

Monday, April 11, 2016

Nước non ngàn dặm, Miền đất võ

Bình Định, miền đất có truyền thống thượng võ,  là nơi phát tích của triều đại Tây Sơn với những chiến công hiển hách của hoàng đế Quang Trung bách chiến, bách thắng. Khi nói đến Bình Định là người ta nói đến Miền Đất Võ.

Nằm trên dải đất Nam Trung Bộ, Bình Định là nơi có bề dày lịch sử với nền văn hóa Sa Huỳnh, cùng văn hóa Đông Sơn ở các tỉnh duyên hải và trung du Bắc Bộ, văn hóa Óc Eo ở phía nam đồng bằng sông Cửu Long là ba nơi cổ xưa về văn minh trên lãnh thổ Việt Nam.

Tây Sơn Tam Kiệt
Khoảng đầu thế kỉ thứ 9, đây trở thành nơi sinh cư của người dân tộc Chăm. Đến thế kỉ 11, trước những biến động lịch sử, trung tâm chính trị của vương quốc Chăm Pa chuyển từ thánh địa Mỹ Sơn, Quảng Nam vào Bình Định xây dựng kinh đô mới mà di sản còn lưu giữ được đến hôm nay là thành Đồ Bàn và hệ thống tháp Chàm với nghệ thuật kiến trúc độc đáo.

Nửa cuối thế kỉ 18, Bình Định là nơi diễn ra cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, cuộc khởi nghĩa nông dân lớn nhất trong lịch sử Việt Nam, do ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ gọi chung là Tây Sơn Tam Kiệt lãnh đạo. Cả ba anh em được thụ giáo bởi các bậc tài danh. Thầy giáo Trương Văn Hiến là người đầu tiên truyền dạy chữ Hán, võ thuật và cả binh thư. Tiếp đó ba anh em được võ sư Đinh Văn (còn có tên gọi là ông Chảng) nổi tiếng với bộc trực, gan dạ và ngang ngạnh nhất vùng truyền dạy nên hiểu sâu cả về võ nghệ và binh pháp. Khi dựng cờ khởi nghĩa năm 1771, Tây Sơn Tam Kiệt đã quy tụ được nhiều bậc anh hào như Võ Văn Dũng, Trần Quang Diệu, Bùi Thi Xuân, Đặng Văn Long,… đều là những người rất giỏi võ nghệ. Tây Sơn Tam Kiệt cũng trực tiếp sáng tạo ra những bài võ mới để huấn luyện binh sĩ. Đến hôm nay, ở Bình Định vẫn còn lưu truyền các bài Yến Phi Quyền tương truyền của Nguyễn Huệ, Hùng Lê Quyền của Nguyễn Lữ,…

Trong đội quân Tây Sơn, mỗi người lính là một võ sĩ, thành thạo quyền thuật và sở trường một vài môn binh khí truyền thống. Khi ra trận, người lính thường sử dụng binh khí dài như giáo, mác, trường thương,… Năm Tân Mão (1771) khi chuẩn bị khởi nghĩa, Nguyễn Huệ đã sáng tạo được bài Nghiêm thương để dạy cho tướng lĩnh và nghĩa quân, gồm các thế thương chiến đấu ở tầm xa, với lối đánh dũng mãnh, khả năng phối hợp tác chiến cao. Bài Nghiêm Thương hiện vẫn được lưu truyền ở Bình Định và trình diễn trong các kỳ hội võ. Trong võ Bình Định còn có bài Độc Lư Thương, với hình thể chiếc lư ba chân vạc, biểu tượng Tam Kiệt: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ, tương truyền do Tây Sơn Tam Kiệt sáng tạo nên và bài Liễu Diệc Thương được xưng tụng “Liễu thương nan định thế gian vô”.

Đao như mãnh hổ, thương tựa giao long. Đại đao được suy tôn là “Bách quân chinh nguyên soái”, có nghĩa là nguyên soái của bách quân. Đây là vũ khí nặng, cán dài, thường được các tướng lĩnh có sức khỏe chọn sử dụng. Triều Tây Sơn có bốn người nổi tiếng về đại đao là Nguyễn Huệ, Trần Quang Diệu, Đặng Văn Long, Võ Văn Dũng. Đương thời có câu truyền tụng “Phá sơn trung tặc dị. Thắng Văn Dũng đao nan” (Phá giặc trong núi dễ. Thắng đao Văn Dũng khó). Tương truyền bài Lôi Long Đại Đao chính là của đô đốc Võ Văn Dũng với những câu thiệu uy mãnh như con rồng trong gió bão, sấm sét:

Bái tổ Lôi Long
Bắc sát kình phong
Nam lôi thanh thế
Thần đao đoạn kiếm
Kiếm đoạn thương thần
Trùng hình đoạn pháp
Pháp đoạn hùng binh
Lôi phong lĩnh trảm
Thiên địa tuần hoàn

Trong Tây Sơn Tam Kiệt có hai người làm vua. Nguyễn nhạc là anh cả, ở ngôi từ năm 1778 đến năm 1793. Giai đoạn từ năm 1776 đến năm 1783, chỉ trong chín năm, quân Tây Sơn bốn lần tiến đánh Gia Định, khiến quân của chúa Nguyễn tan tác. Lần thua thứ tư, Nguyễn Ánh phải chạy ra đảo Thổ Chu cách xa đât liền rồi đầu năm sau cho người sang Xiêm La cầu viện. Giữa năm 1784, vua Xiêm cử hai tướng Chiêu Tăng và Chiêu Sương chỉ huy 5 vạn quân và 300 thuyền chiến, chia làm hai đạo thủy, bộ cùng tiến sang xâm lược nước ta. Quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy đã tổ chức mai phục, đón đánh, chia cắt đội hình địch và tấn công với khí thế áp đảo, khiến quân Xiêm rối loạn, không còn khả năng chống trả, bị tiêu diệt gần hết. Toàn bộ chiến thuyền bị đánh chìm. Trận chiến thêm một lần nữa khẳng định tài thao lược của Nguyễn Huệ.

Năm 1788, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu Quang Trung, trực tiếp cầm quân tiến ra Bắc Hà chống lại 29 vạn quân Thanh xâm lược. Với lối hành binh thần tốc, tiến đánh bất ngờ khiến địch trở tay không kịp, chỉ từ đêm 30 tháng chạp đến mùng 5 tết Kỷ Dậu, 10 vạn quân của vua Quang Trung đã tiêu diệt hơn 20 vạn quân Thanh, lập nên chiến công vang dội.

Thần tốc Quang Trung – mp3

Trời, biển Bình Định sau đêm dài lại tỏa rạng ánh Bình Minh. Võ Bình Định có một thời gian dài rút lui vào bóng tối do triều Nguyễn sau khi dẹp nhà Tây Sơn đã tìm mọi cách tận diệt tất cả những gì liên quan đến Tây Sơn, kể cả võ học. Nhưng các nhà võ vẫn âm thầm truyền dạy cho con cháu. Dưới vẻ bề ngoài yên bình, phẳng lặng, Miền Đất Võ vẫn ẩn chứa hào khí , chờ đến ngày phát dương. Tiếng trống trận Tây Sơn lại vang lên giục giã, thôi thúc. Các võ đường lại rộn ràng, khí thế. Các võ sinh uyển chuyển, mạnh mẽ trong các thế thức, quyền pháp cổ truyền.

Võ Bình Định có đủ binh khí thập bát ban: côn, kiếm, đao, thương, giáo, kích, xà mâu, đinh ba, bồ cào, thiết bản, song tô, song xỉ, song câu, bút, phủ, chùy, cung tên. Trong đó có nhiều bài binh khí rất độc đáo. Ví dụ, chiếc cung tên không chỉ dùng để bắn tên mà khi cần, nó có thể trở thành binh khí cận chiến hữu hiệu. Chấn Thiên Cung, là một trong ba bài thảo bộ trong cung thuật thảo pháp nổi tiếng của võ cổ truyền Bình Định còn lưu truyền cho tới ngày nay, bao gồm: Thiết Thai Cung, Chấn Thiên Cung và Xuyên Tiễn Cung. Bài Chấn Thiên Cung có 17 câu thiệu, thể hiện phép bắn cung và sử dụng cung làm võ khí cận chiến, xưa kia thường được sử dụng làm nghi thức khai xạ cho những buổi trình diễn cung trận trên lưng ngựa.

Trong thập bát ban binh khí của võ cổ truyền Bình Định, côn còn gọi là roi, là binh khí được sử dụng phổ biến nhất. Côn thường được làm bằng gỗ, tre, mây, chia làm hai loại trường côn và đoản côn. Trường côn là roi dài, cũng chia làm hai loại là trường tiên dài khoản 3 mét, dùng để đánh trên lưng ngựa và trung bình tiên dài khoản 1,5 mét, dùng chiến đấu trên mặt đất. Phổ biến ở võ cổ truyền Bình Định là trung bình tiên, còn gọi là tề mi côn. Roi chống xuống đất cao vừa đúng tầm chân mày người sử dụng. Võ Bình Định nổi danh Roi Thuận Truyền với nhiều đường roi tuyệt kỹ như Lạc Côn, roi Đánh Nghịch, đâm So Đũa, Phá Vây, và những bài roi Thất Bộ, Thái Sơn, Bát Quái, Tứ Môn, Ngũ Môn,… Khi ra đòn uy lực mạnh mẽ, lúc thế thủ linh hoạt, uyển chuyển.

Ở thôn Kỳ Sơn, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước có võ đường Phi Long Vịnh, do võ sư Trương Văn Vịnh làm trưởng môn phái. Ông học võ từ năm lên 9 tuổi, 18 tuổi bắt đầu thượng đài, thành danh với tuyệt chiêu trên không Phi Long hiểm hóc. Ở tuổi gần 80, ông vẫn còn tráng kiện, có thể biểu diễn những bài quyền và binh khí đầy uy lực, đặc biệt là bài Ngọc Trản Tổ Truyền.

Võ đường Lý Xuân Hỷ, thôn Phương Doanh, thị trấn Đập Đá, huyện An Nhơn, ngoài những bài võ cổ truyền tiêu biểu của Bình Định còn nổi tiếng bởi bài quyền Miêu Tẩy Diện (tức mèo rửa mặt). Võ sư Lý Xuân Hỷ tuổi đã cao nên giờ đây việc trông coi, giảng dạy cho võ đường do con trai ông – võ sư Lý Xuân Vân đảm nhiệm. Bài Miêu Tẩy Diện là của gia truyền do ông tổ của dòng họ Lý sinh cư trên đất Bình Định sáng tạo nên sau quá trình chiêm nghiệm những động tác uyển chuyển, mềm mại nhưng rất lợi hại của con mèo. Bao gồm hơn 20 động tác, với bộ pháp linh hoạt, hầu như không gây tiếng động, trảo công kín kẽ lúc thủ, hiểm hóc khi công, tựa như con mèo khoan thai rửa mặt nhưng bất thần ra đòn vồ mồi.

Từ năm 2006, cứ hai năm một lần, Bình Định lại tổ chức liên hoan quốc tế võ cổ truyền Việt Nam. Sự kiện văn hóa, thể thao mang tầm quốc tế đã thu hút sự quan tâm, tham gia của hàng trăm võ đường đến từ hơn 30 quốc gia, vùng lảnh thổ. Các môn phái võ mang về Bình Định những tiết mục biểu diễn quyền thuật, binh khí và đối luyện đặc sắc. Các võ đường nổi tiếng của Bình Định như võ đường Phan Thọ, Hồ Sừng, Lý Xuân Hỷ, Lê Xuân Cảnh lại rộn ràng tiếng trống võ đón khách đến thăm, chào hỏi, trao đổi công phu võ học. Người dân Bình Định và du khách đến với Miền Đất Võ lại được dịp mãn nhãn trước những bài biểu diễn với những thế đánh mạnh mẽ, dứt khoát, thân pháp uyển chuyển, lanh lẹ của võ sinh các môn phái tham gia trình diễn. Trong các đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam về nước có rất nhiều gương mặt huấn luyện viên và võ sinh nước ngoài. Là những người yêu thích võ thuật cổ truyền Việt Nam và đã trở thành môn sinh suất sắc của các môn phái võ cổ truyền Việt Nam. Trên sàn diễn họ thể hiện khá nhuần nhuyễn những bài võ cổ truyền tiêu biểu của võ học Việt Nam.

Ở thôn Tân Thuận, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước có một võ đường đặc biệt đó là Long Phước Tự, ngôi chùa đã hơn 150 tuổi. Hiện trong chùa còn lưu giữ được nhiều bài võ cổ truyền đặc sắc. Năm 1987, câu lạc bộ võ thuật chùa Long Phước được thành lập với mục đích truyền thụ võ học, giúp thanh thiếu niên trong vùng và tăng ni phật tử của chùa rèn luyện sức khỏe, ý chí quyết tâm, tu dưỡng võ đạo và phổ biến nhiều bài võ cổ đã có lúc tưởng như bị thất truyền nhưng may mắn được các vị sư trong chùa lưu giữ được, đưa ra quảng bá nhằm mục đích bảo tồn, phát triển võ học cổ truyền Bình Định. Hơn hai thập niên duy trì đều đặn dưới sự chỉ dạy cặn kẽ của thầy Thích Hạnh Hòa – trụ trì chùa, câu lạc bộ võ thuật chùa Long Phước đã đào tạo nên nhiều lớp võ sĩ trẻ tham gia thi đấu giành được nhiều huy chương trong các Seagame, các kỳ đại hội võ thuật, liên hoan võ thuật cổ truyền Việt Nam và biểu diễn tại nhiều quốc gia trên thế giới. Mỗi lần Bình Định tổ chức liên hoan quốc tế võ cổ truyền Việt Nam, cùng với các võ đường nổi tiếng trong tỉnh, clb võ thuật chùa Long Phước lại trở thành một địa chỉ giao lưu võ học giữa các võ đường Bình Định với nhiều môn phái võ cổ truyền Việt Nam trong và ngoài nước về tham dự liên hoan. Trên sân chùa lại chật cứng người đến xem, được tận mắt thấy công phu võ học Việt Nam qua những bài quyền, binh khí biểu diễn.

Sau mỗi kỳ liên hoan quốc tế võ cổ truyền sôi động, Bình Định trở lại khung cảnh yên bình. Miền Đất Võ là vậy, võ thuật ẩn tàng nơi nơi trên vùng đất giàu truyền thống oai hùng, thượng võ, trong mỗi con người bình dị, hiền hậu, chất phát. Đến với Bình Định để được chứng kiến vẻ đẹp thành phố biển Quy Nhơn, tận hưởng bầu không khí trong lành của biển cả, chiêm ngưỡng những dấu tích còn lại của quá khứ oanh liệt, hào hùng. Cùng với sự phát triển, đổi mới ngày một khang trang, Bình Định vẫn sẽ mãi mãi lưu giữ vốn quý cổ truyền dành riêng cho một Bình Định – Miền đất võ.

Nước Non Ngàn Dặm

No comments:

Post a Comment

Danh sách trang