Bài mới

Sunday, November 12, 2017

Nguồn gốc phái võ An Thái và tiểu sử võ sư sáng lập

VÕ THUẬT BÌNH ĐỊNH
Kính dâng Tổ Sư sáng lập môn phái
Mến tặng các bạn đồng môn

NGUỒN GỐC PHÁI VÕ AN THÁI VÀ TIỂU SỬ VÕ SƯ SÁNG LẬP


Người sáng lập ra võ phái An Thái là cố võ sư Diệp Trường Phát, tự Thoại Chi, tục danh Tàu Sáu. Cụ sinh năm 1896 tại làng An Thái, quận An Nhơn, tỉnh Bình Định, thân phụ là người Trung Hoa, thân mẫu là người Minh hương.


Năm 15 tuổi cụ được song thân cho qua trung hoa học tập cả văn lẫn võ tại quận Chiếu An, tỉnh Phúc Kiến. Sau hơn 10 năm cụ luyện được Hổ quyền và Long quyền cùng thập bát ban võ nghệ với các võ sư thuộc Nam Phái Thiếu Lâm (tam tim thương, trường thương, đại đao, song kiếm, hổ đầu bài, mẩu côn, tử côn…). Sau đó Cụ Diệp Trường Phát còn sang Hồng Kông thụ huấn thêm với một danh sư tên Hồng Hà Diệp và được chân truyền về nhu công, miên công tức là Hầu Quyền và Xà Quyền rồi trở về An Thái nghiên cứu và rút tỉa thêm những tinh hoa võ thuật nơi chôn nhau cắt rún của Cụ nữa.

Sách Võ thuật Bình Định chân truyền
(Xuất bản năm 1971)

Tại quê nhà lúc đầu Cụ Tàu Sáu từ chối không chịu truyền võ nghệ cho người ngoài mà chỉ dạy trong gia đình, nhưng về sau vì nhiều người nài nĩ muốn được thọ giáo nên cụ đã bằng long đem võ công mà mình đã khổ luyện mười lăm năm qua để chỉ dạy cho người trong làng. Lúc bấy giờ Cụ Tàu Sáu đã được 28 tuổi và từ đây (1924) môn phái An Thái xuất hiện với nhiều đệ tử nổi danh như các ông: Ba Phùng, Chín Kỳ, Phó Tuần Chẩn và võ sĩ Năm Tường. Năm Tường đã từng thách đấu với một võ sĩ hạng nặng người ngoại quốc là Abadou tại Sài Gòn. (Hằng ngày Abadou luyện võ bằng cách dùng tay không đánh chết 12 con bò). Lúc đầu Abadou đồng ý nhưng sau võ sĩ Năm Tường về Bình Định thọ giáo thêm với võ sư Tàu Sáu, trở lại Sàigòn thì Abadou từ chối không dám giao dấu nữa. Khi ấy ngay cả nhà cầm quyền Pháp ỏ Sàigòn cũng không chấp nhận cuộc tỉ thí võ đài trên thực hiện vì sợ Abadou bị Năm Tường đánh hạ.

Khi còn xuân thời có nhiều võ sư khác phái đến thử tài Cụ Tàu Sáu, như Năm Nghĩa, Đoàn Phong, người Trung Hoa thì có các võ sư: Ông Beo, Khách Nhét đều công nhận Cụ là người có chân tài võ thuật. Riêng về roi thì cũng có các võ sư Hồ Ngạnh, Hồ Cường đến đàm đạo qua với Cụ và đều phục Cụ.

Ngoài nghiệp võ, Cụ Diệp Trường Phát còn là một danh y, một hoạ sĩ có nét bút sống động, một thi nhân nổi tiếng. Cụ sống một cuộc đời nặng về nghệ sĩ tính hơn là một võ sư và lấy triết lý Khổng Mạnh làm phương châm.

Sau đâu chúng tôi xin trích vài bài thơ trong số những bài thơ mà cụ Thoại Chi đã sáng tác khi còn sanh tiền:

TRÁI THƠM
Chưa chín xanh xanh, chín đỏ lòm,
Mãng cầu không giống, giống chôm chôm,
Ngoài tuy nhám nhua còn thua mít,
Trong vẫn ngọt ngào…,
Kẻ để rim đường cùng bỏ mắm,
Người đem uống rượu với dùng cơm,
Giống này các nước nghe đều có,
Riêng Việt Nam mình được tiếng thơm.

Với bài thơ trên, các bạn thơ của cụ Thoại Chi lúc bấy giờ như các ông Quách Tấn, Mạc Như Tòng, Đốc Tổ khen cụ là người có nhiều tinh thần Việt tính, dẫu rằng cụ mang trong người hai dòng máu Hoa-Việt.

Trong một dịp du ngoạn đất Quảng Ngãi, cụ đã ứng khẩu đọc một bài thơ khi đứng trước ngọn núi Thiên Bút.

HÒN BÚT
Dựng ngược giữa trời viết một cây,
Chữ là đoàn nhạn, giấy là mây,
Sao vi chấm hẳn từng câu rõ,
Trăng cứ khuyên lần mấy chỗ hay,
Nước mực mưa chan nào có đậm,
Cái ngòi gió thổi cũng không lay,
Nghìn thu cao ngất hình còn tạc,
Tạo hóa vì ai khéo đắp xây.

Và sau đây là bài khuyên các môn đồ trong khi tập luyện:

KHUYÊN HỌC TRÒ
Anh em luyện tập phải gia công,
Bày vẽ như ri đã hết lòng,
Qua lại đừng quên tay chích phụng,
Tới lui nên nhớ ngựa song lang,
Đơn đao tay chắc e còn nhẹ,
Thất bộ theo bài thế mới xong,
Trong cuộc giữ gìn cho kín đáo,
Còn trong mấy thức nói khôn cùng.

Cụ Tàu Sáu thất lộc ngày mùng 3 tháng Giêng năm Nhâm Dần (1962) tại làng An Thái, Bình Định.

Cụ có ba người con: hai trai là Diệp Bảo Sơn, Diệp Bảo Sanh và một người con gái. Những tinh hoa võ thuật Cụ đã truyền lại hết cho các người con, hiện thời các Con Cụ đã là những võ sư danh tiếng tại Bình Định.

Theo: Võ thuật Bình Định chân truyền
Võ sư Diệp Bảo Sanh
Phái An Thái
Trọng Hiếu biên soạn
Xuất bản năm 1971

No comments:

Post a Comment

Danh sách trang