Bài mới

Sunday, November 12, 2017

Tâm pháp và Thân pháp

VÕ THUẬT BÌNH ĐỊNH CHÂN TRUYỀN
DIỆP BẢO SANH
TÂM PHÁP và THÂN PHÁP

Tâm pháp là gì?

Tâm pháp là khởi điểm chính yếu, là nguyên nhân của võ thuật. Bằng tâm pháp, chúng ta vận dụng trí não để ghi nhớ, suy nghĩ hầu lãnh hội được những lời chỉ dạy của Võ sư hay tự chúng ta thâu thập bí quyết, tuyển chọn những tinh hoa, dung hợp các môn tuyệt kỹ cung phu rồi sáng chế ra các chiêu thức kỳ ảo để phá giải hoặc khắc chế địch thủ. Trở lại nguồn gốc của võ thuật, nếu không có tâm pháp thì làm sao các bậc tiền nhân nhìn vạn vật rồi nghiên cứu, sáng chế ra những thế võ. Và nếu ngày nay không có tâm pháp làm sao chúng ta am hiểu những kỳ công võ thuật của người xưa di truyền trong sách vở hay sự chỉ dạy của sư môn và tập luyện cho thành đạt võ công. Vậy tâm pháp là vận dụng tâm trí tìm tòi nghiên cứu, ghi nhớ để thân thể tập luyện cho thành thói quen.

Võ thuật Bình Định - Diệp Bảo Sanh

Còn thế nào là Thân pháp?

Thân pháp là cách thức tập luyện thân thể, tứ chi cho rắn chắc, có thể nhẹ như…, nặng như chì. Khi tấn tới thì trùn mình qua phải, lách sang trái như rắn lượn, lúc thối lui thì hình dáng oai phong như cọp dữ làm cho đối phương phải nể sợ không dám tấn công theo. Luyện thế nào cho thân thể lanh lẹ như khỉ chuyền cây, hùng dũng như rồng uốn khúc, đứng ngồi vững chắc như núi dù với nhiều địch thủ, tay này đánh thì tay kia thủ, ngửa sấp hòa hợp âm dương, tới lui qua lại phải có mực thước, đừng rối loạn. Hơi thở điều hòa, sắc mặt bình thản tự nhiên, đừng tỏ vẻ sợ sệt hay giận giữ. Chúng ta phải nhớ rằng công không cần thắng mà thủ chẳng lo bại. Như thế cũng chưa đủ, luyện thân pháp còn phải phong tỏa ngũ quan. Phong tỏa ngũ quan là vận dụng năm giác quan trong khi tập luyện và giao đấu, đừng bao giờ khinh xuất, lơ đểnh mà ngày nay có người gọi là… đó. Ngày xưa các bậc tiền bối võ lâm còn có thể khu trù lục khí tức là ngăn đuổi phong, hàn, thử, thấp, táo và hỏa (gió, lạnh, nắng, ướt, khô và lửa) từ bên ngoài không cho xâm nhập vào cơ thể, như thế có nghĩa là vận công đi khắp châu thân, bế các trọng huyệt tạo thành một bức màn vô hình để phòng ngừa độc khí, âm khí của đối phương.
Vậy Tâm pháp là bộ máy điều khiển mà Thân pháp là cơ quan hành động. Nhưng tập võ không phải suy nghĩ nên đánh, đỡ thế nào thì muộn mất, vì ta còn tìm cách tránh né thì đối phương đã hạ ta rồi. Luyện thân pháp lại phải tập thế nào cho thân thể, tứ chi thuần thục các thế võ để tùy nghi sử dụng và ứng biến thần tốc trong mọi trường hợp. Tập thế nào cho thành phản xạ tự nhiên để khi đối phương tấn công là có thể xuất thế phản đòn mà không cần phải suy nghĩ. Luyện được như thế là chúng ta đã ly khai Tâm pháp được (đánh không cần phải suy nghĩ) là chúng ta đã luyện đến bực đại thành của võ công rồi vậy.

Luyện thân pháp là tập những gì?

Trong thập bát ban võ nghệ như đao, côn, tiên, kiếm, hổ đầu bài, thương… đều liên quan mật thiết với thân pháp, nhưng phần liên hệ nhiều nhất và quan trọng hơn hết là bộ pháp. Bộ pháp lại gồm:
-      Đầu pháp: Cách thức tập luyện cái đầu.
-      Nhãn pháp: Cách luyện đôi mắt nhìn xa thấy rộng.
-      Nhĩ pháp: Cách luyện cho tai nghe được xa, phân biệt được rõ.
Đầu, nhĩ và nhãn pháp với trình độ tiểu thành và trung thành thì liên hệ trong các bài thảo, song với bực đại thành thì phải luyện nội công. Vì có luyện được nội công thì đầu, tai, mắt sẽ tự nhiên sáng suốt hơn người.
-      Tỳ pháp: Cách tập luyện hơi thở điều hòa và luyện khí công.
-      Chỉ pháp, Thủ pháp và Cước pháp: Cách luyện tập các ngón tay, bàn tay, cánh tay và đôi chân rắn chắc, dẻo dai và sử dụng như ý muốn.
Một lần nữa muốn nhắc nhở các bạn cứ từ từ luyện tập từng phần cho đúng và đạt đến tiêu chuẩn chúng tôi đề ra, đừng vội vàng, nôn nóng, chưa thuộc phần này đã sang mục khác, như thế sẽ không đạt được kết quả gì cả.

Võ sư Diệp Bảo Sanh – Võ thuật Bình Định (xuất bản năm 1971)

No comments:

Post a Comment

Danh sách trang