Bài mới

Thursday, November 16, 2017

Quy Nhơn và các cuộc chiến Tây Sơn

Sau khi lấy thành Quy Nhơn, Tây Sơn Vương đánh mạnh về phương nam và tiến lên phía bắc dẹp yên các tập đoàn phong kiến thối nát đương thời, đánh tan nhiều vạn quân xâm lược Xiêm phía nam, quân nhà Thanh phía bắc; Nguyễn Nhạc đóng đô ở thành Quy Nhơn (thành Hoàng Đế), xưng hiệu vua Thái Đức, Nguyễn Huệ - vua Quang Trung ở Phú Xuân (Thừa Thiên-Huế), còn Nguyễn Lữ giữ đất Gia Định. Đất nước tạm yên nạn xâu xé tranh giành quyền lợi giữa các tập đoàn phong kiến, nạn quan lại hà hiếp nhân dân. Nhà Nguyễn - Tây Sơn lo việc nội trị, ngoại giao, bình yên xã tắc. Song, sự yên ổn này không lâu khi nội bộ nhà Tây Sơn lục đục, đặc biệt từ khi vua Quang Trung băng hà (ngày 29-7 năm Nhâm Tý-1792), Nguyễn Quang Toản nối ngôi mới 15 tuổi hiệu Cảnh Thịnh, vua Thái Đức ở Quy Nhơn tuổi về già trở nên an phận; Nguyễn Lữ ở Gia Định không đủ sức giữ đất. Lại thêm một số nịnh thần tranh quyền lợi cá nhân, hãm hại người tài đức, khiến cho nhà Tây Sơn không còn thống nhất, đoàn kết như lúc khởi nghĩa. Còn Nguyễn Ánh, tức Nguyễn Phúc Ánh, mặc dù bị nhà Tây Sơn dồn đến đường cùng nhưng chưa mất hẳn, Phúc Ánh liên hệ cầu viện với Pháp, được Pháp trợ giúp dần dần khôi phục thế lực và đánh lại Tây Sơn. Khi nghe tin Quang Trung mất, Nguyễn Phúc Ánh cả mừng.

Quy Nhơn và các cuộc chiến Tây Sơn. Ảnh: Ha Nguyen


          Năm 1788, Nguyễn Phúc Ánh đánh chiếm được Sài Côn (Sài Gòn) và được Pháp giúp đỡ tàu đồng đã đánh ra các tỉnh Nam Trung Bộ và năm 1792 đem chiến thuyền đánh Quy Nhơn, mở đầu cho các trận đánh lớn giữa hai nhà Nguyễn trên đất Quy Nhơn - nơi Tây Sơn chiếm thành đầu tiên của nhà Nguyễn. Quân nhà Nguyễn kéo vào cửa biển Thị Nại (cửa biển Quy Nhơn). Đây là cửa biển có nhiều lợi thế phòng thủ quân sự, phía đông có dãy núi Phương Mai, phía tây có núi Nhạn Châu (Gành Ráng) làm cánh che. Từ thời Chiêm Thành đến Tây Sơn, cửa Thị Nại luôn có đồn quân phòng ngự. Vua Thái Đức cho xây pháo đài ở hai dãy núi, đặt đại bác để bắn xuống khi bị tấn công. Quân nhà Nguyễn dùng hỏa công đánh bất ngờ, đốt phá thủy trại Tây Sơn làm cho quân Tây Sơn không chống cự nổi phải bỏ cửa Thị Nại chạy vào Quy Nhơn. Quân Nguyễn đổ bộ, nhưng liền bị quân Tây Sơn vây đánh mạnh phải rút lui. Sau đó không lâu, khi chiếm được thành Diên Khánh, thừa thắng Nguyễn Phúc Ánh tiến ra Phú Yên và đem đại binh kéo vào cửa Thị Nại, đánh lên thành Quy Nhơn. Liệu thế chống cự không nổi, vua Thái Đức sai sứ ra Phú Xuân cầu viện. Vua Cảnh Thịnh sai Thái Úy Phạm Công Hưng cùng Nguyễn Văn Huấn, Lê Trung và Ngô Văn Sở đem 17.000 bộ binh, 80 thớt voi đi đường bộ; Đặng Văn Chân đem 30 chiến thuyền đi đường biển, cả hai đạo quân vào ứng cứu Quy Nhơn. Quân Nguyễn thấy viện binh Tây Sơn hùng hậu không thể chống cự nổi, liền rút đại binh về Diên Khánh.
          Tháng ba năm Kỷ Mùi (1799), Nguyễn Phúc Ánh lại cử đại binh ra đánh Quy Nhơn. Sau khi vào cửa Thị Nại quân Nguyễn do Võ Tánh và Nguyễn Huỳnh Đức chỉ huy kéo lên đóng ở núi Hàm Long (Tuy Phước), một cánh do Tống Viết Phước chỉ huy kéo ra đóng ở núi Cung Quăng thuộc Bồng Sơn. Đây là hai vị trí quan trọng có thể bao vây thành Quy Nhơn. Lúc này tướng của Tây Sơn là Võ Đình Tú đang ở Phú Yên nghe tin quân nhà Nguyễn đổ bộ Quy Nhơn vội kéo quân về đi thẳng lên Cầu Úc đánh quân Võ Tánh. Hai bên kịch chiến suốt hai ngày đêm, Võ Tánh trá bại rút quân chạy, Tú đuổi theo nhưng không ngờ trên núi có phục binh, tên bắn xuống như mưa quân của Võ Đình Tú lớp chết, lớp bỏ chạy. Tú tả xung hữu đột, cây thiết côn gạt phăng bao nhiêu mũi tên bắn vun vút vào người, nhưng cuối cùng không tránh khỏi đạn đồng, Tú bị thương nặng, máu chảy dầm mình đuối sức ngã gục trên lưng ngựa. Con ngựa hí một tiếng dài nhảy ra khỏi trận chiến chạy một mạch về Phú Phong. Khi đến nhà con ngựa lăn ra chết và Võ Đình Tú cũng tắt thở. Trong lúc này ở Hàm Long, quân của Võ Tánh và Nguyễn Huỳnh Đức cũng kéo đánh đồn Trấp Xá ở Quán Chẹt. Tướng giữ đồn là Trương Tấn Túy chống cự không nổi, bỏ đồn chạy về Quy Nhơn. Quân Nguyễn tiến đánh tiếp đồn tháp Tri Thiện (tháp Bánh Ít), tướng giữ đồn là Lê Văn Thiệt bị trúng đạn chết. Quân Võ Tánh thừa thắng kéo ra Ngạc Đầm (Bàu Sấu) ở huyện An Nhơn. Bàu Sấu không rộng lắm nhưng khá sâu, bên mé bàu phía đông có dãy núi đất chạy dài ra phía bắc, trên núi có các đồn lính Tây Sơn đóng để giữ mặt sau thành Quy Nhơn. Các đồn này được xây dựng kiên cố, nên quân của Võ Tánh tấn công mấy ngày liền mà không vượt qua được. Còn Nguyễn Phúc Ánh cũng chưa hạ được thành Quy Nhơn, đành bao vây thành truyền các tướng đề phòng quân Tây Sơn từ Phú Xuân kéo vào chi viện. Quả thực như tiên đoán của Nguyễn Phúc Ánh, nhưng cánh quân Tây Sơn do Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng chỉ huy kéo vào tới Quảng Ngãi thì bị quân Nguyễn chặn đánh không thể nào tiến kịp vào Quy Nhơn. Tướng giữ thành Quy Nhơn là Lê Văn Thanh đợi mãi không thấy viện binh mà trong thành lương thực đã cạn đành phải mở cửa thành đầu hàng. Quân nhà Nguyễn vào thành giết hết các tướng tá Tây Sơn. Lúc mất thành Quy Nhơn, tướng của Tây Sơn Nguyễn Quang Huy đang ở Phú Yên nhận định: nếu quân Nguyễn từ Diên Khánh đánh ra, Quy Nhơn đánh vào thì Phú Yên không chịu nổi. Vì vậy, Huy gấp rút bỏ Phú Yên và kéo binh ra ứng cứu Quy Nhơn. Quân của Huy vượt qua nhiều cánh quân nhà Nguyễn kéo thẳng đến chân thành Quy Nhơn. Nguyễn Phúc Ánh lấy làm lạ vì một tướng của Tây Sơn chỉ trong một ngày đánh bại hàng chục tướng của mình bèn lên thành quan sát, không ngờ Quang Huy trông thấy dùng cung lớn bắn trọng thương. Tuy vậy, quân của Huy bị quân Nguyễn vây đánh tứ phương, Huy không cự nổi bèn chạy thẳng vào núi Dương An, chiêu mộ thêm hào kiệt chờ dịp phục thù. Sau khi chiếm thành Quy Nhơn, Nguyễn Phúc Ánh giao thành lại cho Võ Tánh và Ngô Tùng Châu trấn giữ, còn mình kéo quân vào Gia Định.  
          Tin Quy Nhơn thất thủ, tháng giêng năm Canh Thân (1800) vua Cảnh Thịnh phái Trần Quang Diệu vào Quảng Nam hợp cùng Võ Văn Dũng để vào Quy Nhơn. Qua nhiều trận kịch chiến với quân nhà Nguyễn, cuối cùng Trần Quang Diệu cũng vào tới thành Quy Nhơn. Võ Tánh đem quân ra đánh, nhưng không lại, Tánh kéo quân vào thành cố thủ. Trần Quang Diệu cho quân vây thành và công kích, một mặt phân công cho Võ Văn Dũng cầm thủy binh giữ cửa biển Thị Nại. Mặc dù quân Nguyễn ở trên thành Quy Nhơn dùng tên, đạn bắn xuống, quân Tây Sơn không đến gần được chân thành, nhưng Trần Quang Diệu cho đắp tường lũy xung quanh thành vây khốn. Còn Võ Văn Dũng tổ chức thủy quân và canh phòng cửa Thị Nại, bố trí đại bác ở hai pháo đài Gành Ráng và Phương Mai. Nguyễn Phúc Ánh nghe tin Quy Nhơn bị vây khốn, cử đại binh ra cứu viện. Nguyễn Phúc Ánh trực tiếp chỉ huy thủy binh, đưa chiến thuyền đến đóng ở Cù Lao Xanh (ngoài cửa biển Thị Nại), còn bộ binh do các tướng Nguyễn Văn Thành, Lê Chất, Nguyễn Đình Đắc, Trương Tấn Bửu theo đường Phú Yên kéo ra đóng ở núi Thị Dã (Tuy Phước). Quân Tây Sơn do Trần Quang Diệu chỉ huy đã chia cắt quân bộ và quân thủy của nhà Nguyễn, không cho liên lạc với nhau, làm cho quân Nguyễn không tiến được, phải án binh bất động và sau đó rút thủy quân về Gia Định chờ năm sau (1801) kéo đại binh trở ra quyết đánh một trận sống mái cùng quân Tây Sơn.
          Theo kế hoạch quân nhà Nguyễn tiến công theo thế giọng kềm: một đạo quân đi từ hướng Phú Yên từ núi An Dương, nguồn An Tượng đánh ra, thủy binh đem thuyền nhỏ vượt ra bắc Thị Nại lẻn vào cửa Cách Thử để vào Thị Nại dùng hỏa công đốt thủy trại Tây Sơn, tạo điều kiện cho đạo thủy binh chính đánh úp Thị Nại. Thế trận đã chuẩn bị kỹ, Nguyễn Phúc Ánh tin quân Tây Sơn sẽ đại bại, thế nhưng khi đạo quân bộ vừa qua khỏi đất Phú Yên ra vùng An Dương, An Tượng đã bị tướng Tây Sơn là Nguyễn Quang Huy dùng quân (chủ yếu là người thiểu số) mai phục đánh úp. Vốn quen địa hình rừng núi, các cánh quân người thiểu số của Huy đã vây đánh quân nhà Nguyễn một trận tơi bời. Đạo quân bộ đã thất bại, đạo quân thủy nhà Nguyễn cũng kịch chiến một trận "thư hùng" với thủy quân Tây Sơn tại cửa Thị Nại. Khi cánh quân bọc hậu của nhà Nguyễn lẻn qua cửa Cách Thử đốt thủy trại Tây Sơn, đạo thủy quân chính do Võ Duy Nguy chỉ huy liền tiến đánh cửa Thị Nại. Súng của quân Tây Sơn trên hai pháo đài Gành Ráng và Phương Mai bắn xuống dữ dội, toàn bộ đoàn chiến thuyền tiên phong của nhà Nguyễn bị chìm gần hết, Võ Duy Nguy bị trúng đạn chết. Lê Văn Duyệt đốc binh tiếp theo liều chết vượt qua tầm đạn, dùng hỏa công đánh mạnh vào đội thuyền Tây Sơn. Gió thổi mạnh lửa cất cao sáng rực cả một góc biển. Kết quả, quân nhà Nguyễn bị chết vô số, thuyền chiến Tây Sơn cũng không còn chiếc nào. Võ Văn Dũng thu quân, bỏ cửa Thị Nại kéo lên thành Quy Nhơn hợp cùng quân Trần Quang Diệu đóng giữ những nơi hiểm yếu. Chiếm được cửa biển Thị Nại, nhưng quân Nguyễn không đủ sức giải cứu thành Quy Nhơn, Nguyễn Phúc Ánh bèn để Nguyễn Văn Thành giữ cửa Thị Nại, sai các tướng lĩnh khác kéo quân lên đèo Cù Mông chống với Võ Văn Dũng, Trần Quang Diệu, còn mình kéo đại quân ra đánh Phú Xuân, vì lúc này Phú Xuân đang bỏ ngỏ.
          Tuy nhiên, do không đủ lực quân nhà Nguyễn bị Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng, Nguyễn Quang Huy phối hợp đánh tan. Thành Quy Nhơn vẫn trong vòng vây khốn, Trần Quang Diệu đốc thúc ba quân công thành kịch liệt, buộc tướng giữ thành là Võ Tánh phải tự thiêu và Ngô Tùng Châu uống thuốc độc tự vẫn. Tướng mất, cửa thành mở, quân Tây Sơn vào chiếm thành. Trần Quang Diệu ban lời khuyến dụ binh sĩ rồi chôn cất tử tế hai vị trung thần của nhà Nguyễn. Quang cảnh thành Quy Nhơn lúc bây giờ thật bi hùng, đó là ngày 27 tháng 5 năm Tân Dậu (1801).
          Đầu năm 1802, sau khi lấy được Phú Xuân quân nhà Nguyễn do Lê Văn Duyệt và Lê Chất kéo vào Quy Nhơn, các tướng Tây Sơn: Võ Văn Dũng, Nguyễn Quang Huy, Nguyễn Văn Lộc đã chỉ huy quân Tây Sơn với 8.000 quân mai phục các vị trí trọng yếu trên núi Kỳ Sơn (phía đông nam thành Quy Nhơn) đánh một trận lớn đại phá 3 vạn quân của nhà Nguyễn. Đây là trận đánh cuối cùng của nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn trên đất Quy Nhơn trước khi Trần Quang Diệu bỏ thành Quy Nhơn, để cùng với Võ Văn Dũng đem 3.000 quân, 800 thớt voi theo đường thượng đạo sang Lào ra Nghệ An vào thượng tuần tháng 3 năm Nhâm Tuất (1802).

          Hữu Vinh/ MaxReading

1 comment:

Danh sách trang