Ngày nay người ta thường dùng những mỹ từ
để triều mếm gọi tên một vùng đất, một địa phương theo phong cảnh, danh nhân,
nét đặc trưng về lịch sử, văn hóa vùng đất đó. Với Bình Định, chúng ta quen gọi
là vùng đất võ với bao anh hùng hào kiệt, đồng thời cũng là vùng đất in đâm những
dấu ấn văn hóa, những giá trị văn chương. Vùng đất này, hai khái niệm văn và võ
thật sự hòa quyện vào nhau, nghĩa là: Trong văn có võ, trong võ có văn.
Nếu như dưới thời Tây Sơn, võ thuật Bình Định
đã được nâng lên một tầm cao mới, thì đây cũng chính là giai đoạn dòng chảy văn
hóa Bình Định hội tụ đầy đủ những tinh hoa.
Là một bậc minh quân, bản lĩnh văn hóa của
vua Quang Trung - Nguyễn Huệ biểu hiện
dưới nhiều góc độ, từ thành tựu của sự nghiệp giải phóng giai cấp, giải phóng
dân tộc, việc nội trị, ngoại giao, phát triển văn hóa giáo dục. Chính dưới thời
Tây Sơn, bằng việc lập ra viện Sùng Chính để dịch các tác phẩm nho học ra quốc
âm, đưa chữ Nôm vào địa vị chính thống, Quang Trung - Nguyễn Huệ đã thật sự tạo
ra một cuộc cách mạng về ngôn ngữ.
Sách Tiếng Việt Trên Đường Phát Triển đã
viết “Chỉ có đến triều đại Tây Sơn, với những người Áo vải cờ đào gắn bó với
nhân dân lao động, có nhiều ý chí quyết thắng sự xâm lược về chính trị, văn hóa
của kẻ thù, tiếng Việt lần đầu tiên được đưa lên vị trí xứng đáng”. Cuộc cách mạng
ngôn ngữ xuất phát từ ý thức dân tộc rất mạnh mẽ dưới thời Tây Sơn không chỉ
mang đến cho Bình Định một diện mạo văn hóa mới, mà quan trọng hơn đã đem đến
cho nền văn học nước nhà mảng thơ Nôm đồ sộ với nhiều tác giả nổi tiếng, góp phần
làm phong phú thêm văn hóa dân tộc.
Thời gian đã qua đi với bao đổi thay, dấu
tích xưa của văn miếu, của trường thi Bình Định dẫu đã hoang tàn cùng nắng mưa,
sương gió nhưng vẫn toát lên truyền thống hiếu học của lớp lớp cư dân nơi này.
Trong sự tĩnh lặng của nền cũ, dấu xưa vẫn còn đó bóng hình bao hiền sĩ dùi mài
kinh sử, lập thân giúp đời, để lại cho hậu thế bao áng văn thơ trác tuyệt.
Trường thi Bình Định ra đời năm 1852 và kết
thúc vào năm 1915. Trong vòng 65 năm ấy đã tiến hành 22 khoa thi, chọn được 342
vị cử nhân. Nguồn văn khởi xuất và tuông trào theo dòng chảy sông Côn thấm đẫm
trên mỗi tất đất Bình Định, làm nên một giá trị văn hóa truyền thống độc đáo.
Trong dòng chảy văn hóa ấy ta nhận ra sự gần gũi, thân thuộc nhưng cũng rất
thâm sâu, diệu vợi từ chính cuộc đời và sự nghiệp Đào Tấn – nhà văn hóa, nhà hoạt
động sân khấu tiêu biểu của nước ta cuối thế kỷ thứ 19. Có thể nói, Đào Tấn đã
dùng hết tâm lực cả cuộc đời dành cho nghệ thuật hát bội. Ông đã đưa hoạt động
sân khấu hát bội gắn liền với đời sống nhân dân với những chuẩn mực văn hóa
truyền thống. Với sự đóng góp của Đào Tấn, hát bội đã có sự phát triển rực rỡ
trên cả bình diện văn học lẫn nghệ thuật, trở thành một giá trị văn hóa đặc
trưng cho miền đất Bình Định.
Tiếp nối Đào Tấn - ông quan nghệ sĩ, người
đã viết những câu thơ mênh mông xa rộng, cánh bằng vạn dặm là một thế hệ thi
nhân mà tên tuổi của họ gắn liền với sự rạng danh phong trào thơ Mới. Nhiều, rất
nhiều những thi sĩ dù được sinh ra hay không sinh ra trên đất Bình Định nhưng sự
nghiệp thơ ca của họ đều khởi nguồn từ mạch nước sông Côn, được ôm ấp, vỗ về từ
sự bao dung của dải đất này, dải đất từ lâu đã xem họ như những đứa con thân
yêu. Một dải đất qua nhiều thế hệ đã chứng tỏ được vai trò trung tâm, hội tụ, kết
tinh, giao lưu và lan tỏa, để rồi từ đó xác lập cho mình một nét đẹp văn hóa.
Đó là một Xuân Diệu – nhà thơ say đắm nhất
trong các nhà thơ sinh ra từ duyên kỳ ngộ giữa anh đồ Nghệ với cô hàng nước mắm
Gò Bồi “Cha đàng ngoài, mẹ ở đàng trong / Hai nửa đèo ngang, một mối tơ hồng”
đã cho chúng ta một hoàng tử của thơ tình. Đó là Hàn Mặc Tử với số phận cùng cực,
bi thảm nhưng đã để lại những dòng thơ thần cảm, cao vợi. Là Chế Lan Viên,
Quách Tấn, Yến Lan, nhóm bạn thơ Bàn Thành Tứ Hữu vang danh trong nền thơ dân tộc.
Mãi mãi chúng ta sẽ còn nhắc đến rất nhiều
những đóng góp to lớn của các thi nhân mà sự nghiệp thi ca của họ được khởi nguồn
và bồi đắp từ mạch nước sông Côn. Và cũng chính trên dòng sông thơ mộng ấy đã
mang đến cho bao thế hệ một Bến My Lăng huyền ảo, vừa như hiện hữu, vừa như mơ
làm rung động bao trái tim, thôi thúc họ tìm đến với miền đất ấy “Bến My Lăng nằm
không, thuyền đợi khách / Rượu hết rồi ông lái chẳng buồn câu / Trăng thì đầy
rơi vàng trên mặt sách / Ông lái buồn để gió lén mơn râu”. Có nhiều giả thuyết
đã đặt ra và nhiều ý kiến cho rằng Bến My Lăng huyền ảo trong thơ Yến Lan chính
là bến Trường Thi bên bờ sông Côn tấp nập ngày nào, nơi gắn liền với bao kỉ niệm
của nhà thơ Yến Lan. Theo thời gian, cảnh vật đã đổi thay tất cả, nhưng điều đó
cũng chẳng mang một ý nghĩa gì khi chúng ta cùng thống nhất với nhận định rằng
chính quê hương đã khơi ngồn và nuôi dưỡng tài năng nghệ thuật của bao thế hệ
thi nhân. Và ngược lại, những người con ưu tú ấy đã góp phần tạo dựng nên diện
mạo văn hóa hóa quê hương với những nét đặc trưng, độc đáo nhất.
Bao đời nay vẫn vậy, dòng chảy Côn giang
như một dải lụa đào vắt ngang mình mảnh đất Bình Định nên thơ. Dòng sông ấy soi
bóng bao tháng năm thăng trầm, tích tụ những giá trị tinh hoa qua bao thế hệ.
Sông không chảy ra biển khơi. Sông chảy vào lòng đất mẹ để từ đó tạo nên những
mạch nguồn vô tận, khơi gợi, nuôi dưỡng và tạo dựng nên cho mảnh đất ấy một bản
sắc văn hóa. Một Bình Định với sự hòa quyện giữa hào khí thượng võ với sự diệu
vợi, thẳm sâu và bao la của văn hóa bản địa. Một Bình Định luôn được triều mến
gọi tên Miền Đất Võ Trời Văn.
Văn Hóa Việt
No comments:
Post a Comment