Trong dòng chảy của sử Việt, Tây Sơn là triều đại nổi tiếng về võ
nghệ với những danh tướng lừng lẫy và nhiều loại vũ khí huyền thoại.
Theo sách Võ Nhân Bình Định, cung Kỳ Nam, Liên Phát, Thiết Thai,
Vĩ Mao là những vũ khí gắn với cuộc khởi nghĩa Tây Sơn.
Kỳ Nam cung
Đây là cung của tướng quân Lý Văn Bưu, một trong thất hổ tướng của
nhà Tây Sơn. Ông xuất thân trong gia đình giàu có, chuyên nghề buôn ngựa ở Đại
Khoang, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.
Lý Văn Bưu nổi tiếng với khả năng huấn luyện ngựa và tài bắn cung
“trăm phát trăm trúng”. Mỗi khi cầm quân xông trận, ông lại mang theo bên mình
Kỳ Nam cung khiến kẻ giặc khiếp sợ.
Vũ khí này có cấu trúc đặc biệt. Giữa cánh cung, chỗ tay cầm có
tháp gỗ quý Kỳ Nam, khi treo trong phòng, hương trầm thơm ngát.
Theo một số tài liệu lịch sử, nơi trận địa, hương trầm làm tăng nội
lực, Lý Văn Bưu bắn trăm phát trăm trúng. Càng bắn, nội lực càng tăng, tên càng
trúng đích.
Sách Võ Nhân Bình Định chép rằng khi xây dựng cơ sở cho nhà Tây
Sơn, có một con cọp to lớn như trâu mộng, rất hung dữ, tinh khôn, thường bắt bò
heo, hại người.
Lúc đầu, hổ săn bắt ban đêm, sau lại phá phách cả ban ngày. Dân
làng thuê đám thợ săn cọp và các võ sĩ có danh để trừ hổ, song tất cả đều thất
bại.
Lý Văn Bửu được tin, mang cung Kỳ Nam tìm vào rừng sâu để diệt trừ
hổ dữ. Gặp được hổ, họ Lý bắn một phát vào đầu cọp. Con thú dữ bị thương hăng
máu xông đến. Lý Văn Bưu bắn tiếp hai phát. Tên xuyên ngang cuống họng và yết hầu.
Cọp giãy giụa một hồi lâu mới chết.
Sau này, khi gia nhập nghĩa quân Tây Sơn, Kỳ Nam cung đã giúp Lý
Văn Bưu lập được nhiều chiến công trên chiến trường. Những mũi tên phóng ra từ
cây cung của ông tiêu diệt được rất nhiều kẻ thù trong chiến thắng chống quân
Xiêm năm (1785) và chiến thắng quân Thanh (1789).
Cung tên, một loại vũ khí của nhà Tây Sơn |
Liên Phát cung
Đây là vũ khí của Đặng Xuân Phong, người làng Dũng Hòa, Tây Sơn Hạ,
phủ Quy Nhơn. Ông cũng là một trong những danh tướng của nhà Tây Sơn.
Cánh cung làm bằng thép có độ cứng và đàn hồi cao nên sức bật rất
mạnh. Nhờ có sức mạnh và chăm chỉ luyện tập, Đặng Xuân Phong có thể bắn một lần
5 mũi tên và bắn liên tiếp.
Theo sách sử ghi lại, một hôm, Bùi Thị Xuân đứng ở trường trầu
Kiên Mỹ, trông thấy tráng sĩ trẻ tuổi cầm côn đồng, cung sắt, cưỡi ngựa ô, từ
hướng làng Thuận Nghĩa chạy lên Phú Lạc, thái độ hiên ngang, tướng mạo trung hậu.
Đến hòn Trưng Sơn, tráng sĩ phi ngựa lên núi. Đường đi gập ghềnh nhưng ngựa chạy
như trên bình địa.
Một bầy quạ bay ngang qua, tráng sĩ giương cung bắn hai con rơi xuống.
Tiếp theo 5 phát nữa, 5 con rơi như lá rụng.
Biết là người có tài, bà Bùi Thị Xuân sau khi thăm dò gốc tích, đã
cùng với Võ Đình Tú đến tận làng Dõng Hòa kết bạn và mời tham gia nghĩa quân,
xây dựng nhà Tây Sơn.
Khi về với Nguyễn Nhạc, ngay trận đầu ra quân, Ðặng Xuân Phong bắn
chết tướng Nguyễn Văn Hiền của quân Nguyễn, góp phần vào thắng lợi của quân Tây
Sơn.
Khi biết tin vua Quang Trung qua đời, Đặng Xuân Phong rất đau
lòng. Sau này, ông tiếp tục phò tá vua Cảnh Thịnh, nhưng trước cảnh triều Tây
Sơn ngày càng lục đục vì mâu thuẫn nội bộ, ông đã mai danh ẩn tích.
Thiết Thai cung
Thiết Thai cung là binh khí nổi tiếng của tướng Nguyễn Quang Huy,
người Phú Yên. Sinh thời, ông được mệnh danh “Triệu Tử Long” của quân Tây Sơn.
Nguyễn Quang Huy thường sử dụng cây ngân câu (móc câu bạc), thích
cưỡi bạch mã. Ông có sức mạnh muôn người không địch nổi, giỏi võ nghệ, tinh
thông binh pháp, vua Thái Đức (Nguyễn Nhạc) rất tin dùng.
Thiết Thai cung có cánh làm bằng thép, nòng bằng sắt, trọng lượng
rất nặng, sức bắn xa gấp ba, bốn lần cung thường.
Nguyễn Quang Huy trước trấn Bình Thuận, sau bị Nguyễn Phúc Ánh
đánh chiếm nên phải lui về thủ Phú Yên. Năm Kỷ Mùi (1799), thành Quy Nhơn bị
Nguyễn Phúc Ánh vây hãm, Nguyễn Quang Huy kéo quân ra cứu Quy Nhơn.
Nguyễn Quang Huy đánh rất hăng, một ngày đánh bại 25 viên tướng của
Nguyễn Phúc Ánh. Phúc Ánh lấy làm lạ lên thành đứng xem.
Quang Huy tả xung hữu đột giữa muôn quân như Triệu Tử Long ở trận
Đương Dương Trường Bản, ngó thấy Nguyễn Phúc Ánh đứng trên thành, bèn dùng Thiết
Thai cung bắn trúng cánh tay trái. Phúc Ánh té nhào bất tỉnh. Vì vết thương này
mà Nguyễn Phúc Ánh phải rút về Gia Định để dưỡng thương.
Vĩ Mao cung
Đây là cung của văn thần La Xuân Kiều, một trong “lục kỳ sĩ” đến với
nhà Tây Sơn. Ông là người huyện Phù Cát (Bình Định).
Theo sách Nhà Tây Sơn, La Xuân Kiều rất giỏi văn thơ, cưỡi ngựa, bắn
cung. Dòng họ nhà ông có một cây cung đặc biệt làm bằng gỗ quý, dây cung bện bằng
lông đuôi ngựa (Vĩ Mao cung).
Cây cung đặc biệt làm bằng gỗ quý, dây bện bằng lông đuôi ngựa.
Khi dây cung bật, một âm thanh trong trẻo du dương phát ra, tên phóng ra rất mạnh.
Âm thanh vừa dứt thì đích đã trúng hồng tâm. Nhờ Vĩ Mao cung mà La Xuân Kiều nổi
danh là xạ thủ đương thời.
Theo sách Võ Nhân Bình Định (Quách Tấn)
Nguyễn Thanh Điệp/Zing News
No comments:
Post a Comment