Tên gọi: Tháp Dương
Long, có những tên gọi khác là tháp Bình An, tháp An Chánh hay tháp Vân Tường.
Người Pháp gọi di tích này là Tour d’ Ivoire (tháp Ngà).
Thời gian xây dựng: Cuối
thế kỷ XII
Vị trí: Tháp Dương Long
thuộc xã Bình Hòa, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Theo sách Đại Nam nhất thống
chí thì ba tòa cổ tháp này được xây cất trên một tòa cao có tên là Dương Long,
nằm ở phía Nam núi Trà Sơn.
Chỉ dẫn: Từ quốc lộ 1A,
tới Gò Găng, cách Tp. Qui Nhơn 40km và Tp. Ðà Nẵng 270km, rẽ theo hướng tây vào
sân bay Phú Cát, trước cổng sân bay, rẽ trái, đi tiếp chừng 9km nữa là tới.
Tháp Dương Long, một cụm di tích gồm ba tháp Chăm thẳng hàng
trên một gò cao thuộc hai thôn Vân Tương, xã Bình Hòa và An Chánh, xã Tây Bình,
huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, được xây dựng vào cuối thế kỷ XII. Đây là thời kỳ
phát triển rực rỡ nhất của nền văn hóa Chămpa. Cụm tháp này gồm ba tháp: Tháp
giữa cao 24m, hai tháp bên cao 22m, phần thân của các tháp xây bằng gạch, các
góc được ghép bởi những tảng đá lớn chạm trổ công phu.
Tính quy mô của tháp
Dương Long được thể hiện không chỉ ở chiều cao của nó - cao nhất trong các tháp
Chăm còn lại ở Việt Nam, mà còn ở lối kiến trúc độc đáo, đặc biệt là các hoa
văn, hoạ tiết được khắc tạc trực tiếp trên những tảng đá đồ sộ đặt ngay trên đỉnh
tháp.
Phần thân tháp xây gạch,
các góc được ghép những tảng đá lớn và các trang trí điêu khắc đều bằng đá. Cửa
tháp quay hướng Đông và được nâng lên khá cao, chừng khoảng 1,5m và khung cửa
là những khối đá lớn. Nửa phần trên của tháp gần như là những khối đá lớn xếp
chồng lên nhau rất khéo. Ở các góc là những mảng chạm lớn với hình những con vật
chim thần: Garuda, Voi, Đại bàng...
Các mặt phẳng của tường
được phủ nhiều bức phù điêu lớn có hình lá đề, mô tả cảnh múa hát, tu sĩ. Những
người này được thể hiện có đầu tương đối lớn, đội mũ có chỏm cao. Ðặc biệt là
những đỉnh tháp ở đây là những bông sen vĩ đại với nhiều lớp cánh hoa hơi hướng
lên trên.
Căn cứ vào mặt bằng đế
tháp và phong cách nghệ thuật, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tháp Dương Long
tuy vẫn còn mang nhiều đặc trưng của tháp Champa nhưng đã chịu ảnh hưởng khá đậm
của nghệ thuật Kh’mer. Trong lịch sử Champa giai đoạn từ đầu thế kỷ XII đến đầu
thế kỷ XIII đất nước liên tục phải chiến đấu chống lại những cuộc tiến công của
Tchenla (Chân lạp). Vùng đất Vijaya đã từng bị sáp nhập vào lãnh thổ của người
Kh’mer trong thời gian tương đối dài. Có khả năng tháp được xây dựng vào thời
kì Champa bị người Kh’mer đô hộ, nghĩa là trong khoảng thế kỷ XII-XIII. Nhìn
trong bố cục tổng thể cũng như xem xét chi tiết từng tháp, cụm tháp Dương Long
là một quần thể kiến trúc bề thế và có thể nói là đẹp nhất trong số các tháp
Champa còn lại ở miền Trung. Vẻ đẹp của di tích càng được tôn lên nhờ cảnh quan
xung quanh.
Cách đây gần một thế kỷ,
trong tác phẩm Monuments Kiams de la province de Bình Định (các di tích Chàm của
tỉnh Bình Định), học giả người Pháp Ch. Lemire đã có một đoạn mô tả về tháp
Dương Long khá chi tiết, theo đó, ba tòa tháp được xây cất trên một quả đồi với
một cánh rừng xoài và mít tuyệt đẹp. Cảnh trí giờ đây đã thay đổi nhiều nhưng vẻ
đẹp lộng lẫy của tháp Dương Long vẫn còn đó.
No comments:
Post a Comment